Ads (728x90)

Tản mạn

Cụm từ “ngu lâu” và “chậm hiểu” là câu nói đùa cửa miệng thân tình của nhiều người là bạn bè với nhau, khi muốn phê phán nhẹ nhàng , hoặc chê bạn một cách tế nhị về một điều gì đó trong nhận thức.
Mấy năm gần đây có lẽ trong cơ chế thị trường chăng, nên cụm từ “ngu lâu” và “chậm hiểu” dùng tràn lan tới mức mang tính phổ biến và mang ý nghĩa khác. ở các cơ quan, xí nghiệp khi thì thủ trưởng phê nhân viên là “ngu lâu” và “chậm hiểu”, khi thì đồng nghiệp nói với nhau, hoặc nhận xét về cách làm, cách nghĩ ...Họ không ngần ngại gọi nhau: Đồ ngu lâu, dốt bền! Nhân bàn về mấy cụm từ cửa miệng này , tôi xin kể chuyện của tôi để làm ví dụ minh hoạ. Tôi có hai người bạn, biết nhau từ hồi còn học phổ thông rồi vào đại học nữa. Các anh vốn là những người tốt, thông minh , lịch sự .Một anh làm ở ngành toà án, còn anh kia làm ở ngành giáo dục. Cứ mỗi lần gặp nhau, chúng tôi lại thông báo những thông tin mới của nhau về công tác, về tình hình sức khoẻ của gia đình hoặc tin tức của những người bạn cũ. Mỗi lần gặp, tôi thấy các bạn tôi có nhiều thay đổi, kinh tế gia đình các anh đều “ tăng trưởng” khá nhanh .Người thì xây biệt thự , sắm ô tô loại sang, người thì tâụ thêm nhà tận Thủ đô để sau này nghỉ hưu sẽ ở cùng con cháu...Và, điều quan trọng là cả hai đều có nhiều tiến bộ trong công tác, đều được đề bạt. Anh thì được giao chức phó ngành, còn người kia từ một giáo viên cơ sở được “vời” về phụ trách một bộ phận quan trọng của Sở nọ. Được biết thế, tôi lấy làm mừng cho các anh và nghĩ: “mẫu” người năng động như các anh có lẽ thích hợp với cơ chế thị trường chăng ? Tôi lại nhủ thầm : Có lẽ mình ngu thật mà là ngu hơi lâu như đã có lần các anh nhận xét đùa về tôi.
Thế rồi , tôi dò la tìm hiểu để học cái “khôn”, cái “thông minh” của các anh để mong được tiến bộ. Được biết, anh làm ở toà án thì không chuyên tâm vào công vụ, chuyên môn mà lao vào mấy cái mẹo vặt nghề nghiệp để ăn hối lộ, dựa thế xin đất công, bán đi kiếm lời hoặc phỉnh nịch , hối lộ cấp trên để thăng tiến. Còn anh ở sở nọ , “chiến tích” cũng không kém: Đầu tư chất xám cho chạy mánh, chỉ trỏ, lợi dụng công quỹ giở trò ảo thuật, biến tiền công thành tiền riêng theo kiểu... “của người, phúc ta”...vì thế anh đã được mệnh danh là “đại gia” trong ngành . Phát hiện được cái “khôn”, cái “thông minh” của các anh, tôi hơi yên tâm về cái “ngu lâu” và “chậm hiểu” của mình. Và tôi tự nhủ: Hãy bằng lòng với những gì mình đã có, với công việc mình yêu thích và ngẫm câu: “ăn thịt bò lo ngay ngáy, ăn nước cáy ngáy o o!” mà các cụ dạy thật chí lý!
Hoa đồng tiền

Đăng nhận xét