Ads (728x90)


Tản văn của Nguyễn Viết Hiện

Ngay từ hồi học cấp 3, tôi đã được đọc nhiều bài thơ, bài văn, truyện ngắn, ký sự …giới thiệu những chiến công và sự hy sinh quả cảm của những chiến sĩ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mà xúc động nhất , trữ tình nhất là những câu thơ của nhà thơ tài hoa Phạm Tiến Duật : Có lẽ nào anh lại mê em / Một cô gái không nhìn rõ mặt / Đại đội thanh niên đi lấp hố bom / Áo em hình như trắng nhất…Những câu thơ đó và nhiều bài báo, tiểu thuyết giúp tôi tưởng tượng lại những chiến công, sự hi sinh dũng cảm của hàng ngàn thanh niên ưu tú trên tuyến đường Trường Sơn năm nào…


Đã nhiều lần đi qua Hà Tĩnh , một tỉnh miền Trung nghèo đầy ắp nắng gió và cũng là nơi lưu giữ bao địa danh , mốc son trong cuộc kháng chiến chống Mỹ anh hùng , trong đó có Ngã ba Đồng Lộc. Thật may mắn cho tôi, lần này được đến thắp hương và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong tại ngã ba huyền thoại này . Xe chạy từ tp Hà Tĩnh theo quốc lộ 15A chừng độ 20 km thì đến ngã ba Đồng Lộc. Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc (Can Lộc) là điểm nhấn trong chuyến đi này nên ai cũng háo hức, bởi địa danh này đã quá nổi tiếng về sự quả cảm, lòng yêu nước của bao thế hệ thanh niên Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ mà cụm Tượng đài khắc hoạ 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) toạ lạc sừng sững giữa trời xanh Can Lộc là một hình ảnh sinh động nhất. Cả đoàn lặng người trước Đài Liệt sĩ nơi có 3 tấm bia lớn ghi danh sách các liệt sĩ TNXP trên tuyến đường Trường Sơn mà Tổng Hội TNXP đã tập hợp trong cuộc chiến tranh chống Mỹ , trong đó có rất nhiều người quê Hải Dương. Trước khi viếng mộ 10 cô gái TNXP huyền thoại năm nào, người hướng dẫn viên mời đoàn thăm nhà truyền thống và giới thiệu những chiến công của lực lượng TNXP trên tuyến đường Trường Sơn nói chung và ngã ba Đồng Lộc nói riêng. Có ai ngờ trên mảnh đất chưa đầy 4 cây số vuông mà trong thời gian từ năm 1964 đến năm 1972, giặc Mỹ đã dội xuống nơi đây hàng ngàn tấn bom đạn các loại, cao điểm nhất có ngày Ngã ba Đồng Lộc phải hứng chịu hơn 800 quả bom. Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình thắp những nén tâm nhang cắm trên mộ các chị, những nụ cười của chị Cúc, chị Tần, chị Nhỏ, chị Xuân, chị Hà...trên tấm bia như khẳng định tuổi thanh xuân của các chị sẽ mãi mãi trường tồn với thời gian. Trong nắng hè oi nồng nhưng rừng bạch đàn và bóng mát của hai cây bồ kết lặng lẽ tỏa hương như an ủi linh hồn các chị. Trong bụi sim mua gần nơi các chị nằm có tiếng chim hót ríu ran như muốn nói sự hy sinh trinh liệt của các chị là ươm mầm cho sự hồi sinh của mùa xuân đất nước. Xung quanh hố bom nơi các chị hy sinh có rất nhiều bông cúc trắng với những nén hương nghi ngút cháy của nhiều du khách đến từ mọi miền đất nước, họ đến đây nghiêng mình trước linh hồn các chị để tỏ lòng tri ân đối với những người đã bỏ mình vì nước. Rời Ngã ba Đồng Lộc trong buổi chiều tà chiếc catsets nhỏ của ai đó hát bài Cúc ơi của nhạc sĩ Bùi Hăng ri làm những người ngồi trên xe nghẹn lòng hình dung, tưởng tượng lại trường hợp hy sinh của các chị với nỗi đớn đau khôn xiết để rồi hình ảnh cụm tượng đài 10 cô gái TNXP bằng đá hoa cương và Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc còn đọng mãi trong tôi... 

Vào xem tiểu sử
10 cô gái TNXP Đồng Lộc

Đây là video bài hát Cúc ơi! 
tác giả ĐOÀN HẢI ĐĂNG


và lời bài hát

Cúc ơi!
Tiểu đội xếp hàng ngang
Không thấy em về Cúc ơi
Chín bạn đã quây quần
Chỉ còn thiếu mình em thôi
Em nằm nơi mô mịt mù khói lửa
Đồng Lộc xác xơ cánh chim lìa bầy
Cúc ơi em nằm nơi nào
Lòng đất sâu thì lạnh lắm mà áo em lại mỏng
Da em xanh và mái tóc còn xanh
Về với anh Cúc ơi…
Về đi thôi ơi Cúc ơi…
Về tắm dòng sông trong ngàn phố
Về ăn trái quýt đổ Sơn Bằng
Cơm chiều chưa ăn
Gối còn thêu dở
Đồng đôi đang chờ em
Đũa găm mà cơm úp
Đồng đội khóc tên em
Cạn khô mà dòng lệ
Ở đâu em ơi... Về thôi Cúc ơi…
Nằm đâu em ơi… Về thôi Cúc ơi…

Đăng nhận xét