Ads (728x90)

Tản văn

Trong cái nắng chói chang đầu mùa trên mảnh đất miền Trung, từng đoàn cựu chiến binh ở mọi miền đất nước tụ hội về thăm viếng các anh- những người anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang Trường Sơn, một không khí thật trang nghiêm và cảm động. ...
Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về
Dòng tên anh khắc vào đá núi
Mây ngàn hóa bóng cây tre
Chiều biên cương trắng trời sương núi
Mẹ già mỏi mắt nhìn theo...

Lời bài hát phát ra từ một chiếc catsets nhỏ của một người cựu chiến binh già , ông mặc bộ quân phục bạc màu không đeo quân hàm quân hiệu tập tễnh cùng đoàn người lặng lẽ tiến vào Đài Tưởng niệm như đem lại cảm xúc bi hùng và rất đỗi tự hào của mỗi người khi đặt chân đến nơi này .Từng đoàn du khách kính cẩn thắp hương các anh hùng liệt sĩ trong tiếng nhạc trầm hùng của bài Hồn tử sĩ . Cả không gian tĩnh lặng như có thể nghe rõ tiếng lá rơi sột soạt trong chiều tà. Trên gương mặt từng người chứa bao hoài niệm, có người đăm chiêu, có người lặng lẽ thở dài, có người ăn mặc chỉnh tề với bao huân , huy chương lấp lánh trên ngực nhưng có những người ăn mặc giản dị chỉ bộ quân phục bạc phếch năng gió...Sau khi các đoàn thắp hương xong, họ tản ra đi thắp hương tại các khu mộ liệt sĩ được chia theo tỉnh , thành phố . Trong chiều buông, những người lính năm xưa lặng lẽ cắm những cây hương lên từng phần mộ của những người đồng đội. Có người thầm thì như báo cáo với đồng đội về những kết quả, hoàn cảnh sống hôm nay. có người tìm đúng mộ người bạn cùng nhập ngũ thì nước mắt tuôn trào . Một cựu chiến binh cụt tay ngồi lặng lẽ bên mộ người đồng đội bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm của một thời “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” . Đâu rồi , cái thời hai người chung nhau chiếc chăn trong chiều mưa rừng Trường Sơn ẩm ướt?. Những kỷ niệm tươi rói năm nào tái hiện lại như cảnh cùng đọc chung nhau lá thư từ quê nhà hay khoe với đồng đội tấm hình người yêu khổ 4 x 6 đã ố vàng... Người lính già không kìm được xúc động, không nói thành lời, ông ngồi lặng im hồi lâu bên ngôi mộ bạn...Nhìn những hàng bia trắng toát trên phần bia mộ, bất chợt tôi thấy những tên liệt sĩ quê hương như : Liệt sĩ Phạm Văn Tiến sinh năm 1936, nhập ngũ 9-1965, hy sinh tháng 5-1974, quê quán Đức Xương, Gia Lộc- Hải Hưng hay liệt sĩ Phạm Trọng Tập, sinh năm 1946 cùng quê Gia Lộc, hy sinh 2-1970... và hàng nghìn người con ưu tú quê hương khác đang nằm lại nơi đây , không biết vợ con, bố mẹ của họ đã đến thăm viếng lần nào chưa? Cũng có thể hoàn cảnh không cho phép nên người thân của các liệt sĩ chưa một lần đến thăm viếng các anh, nhưng nhìn những phần mộ thường xuyên được tu sửa, sạch sẽ và những nén hương cháy đỏ trong chiều buông thì các anh ơi hãy yên lòng , thế hệ hôm nay và mai sau chẳng bao giờ có thể quên được công lao to lớn của các anh, những người con ưu tú đã bỏ mình vì nước .
Hòa trong dòng người đông nghịt gồm những đoàn cựu chiến binh, học sinh , sinh viên ở các tỉnh thành đến tham quan Thành cổ Quảng Trị , chúng tôi cảm nhận một không khí nghiêm trang thành kính của những người đồng đội và đông đảo mọi tầng lớp nhân dân đến thăm lại một di tích lịch sử có một không hai trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Các đoàn cựu chiến binh và các du khách ăn mặc chỉnh tề lần lượt dâng hương tại Đài Tưởng niệm và thăm nhà Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị . Qua giọng thuyết minh rành rọt của người hướng dẫn viên về những sự kiện 81 ngày đêm giành giật với kẻ thù từng tấc đất nơi này, ký ức xưa của những người lính đã trực tiếp tham gia bảo vệ Thành cổ Quảng Trị lại ùa về . Khóe mắt những người lính năm xưa rưng rưng những giọt lệ pha chút tự hào. Có người cựu chiến binh chỉ còn một chân , ông được người vợ tuổi đã lục tuần dìu từng bước đi thăm các di tích, ,vừa đi ông vừa kể cho người bạn đời những kỷ niệm về những trận đánh khốc liệt và một chân của ông đã để lại nơi này .Trong góc sân nhà bảo tàng một tốp học sinh đeo khăn quảng đỏ đang được cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn chi tiết tham quan các di tích. Những ánh mắt trong veo như những giọt nước của các em hướng lên sa đồ Thành cổ , những pa-nô dán những bức ảnh giới thiệu , tường thuật những trận đánh khốc liệt , những địa dạnh lịch sử nơi này sẽ bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ tương lai của dân tộc .
Trong cái nắng miền Trung oi ả, ở những gốc cây phượng già đã trổ hoa đầu mùa từng tốp cựu chiến binh trên ngực lấp lánh huân huy chương và các em học sinh đeo khăn quảng đỏ ngồi tránh nắng . Nhìn những tấm huy chương trên ngực những người cựu chiến binh và những chiếc khăn quảng đỏ bay bay trong gió , bất giác tôi lại liên tưởng đến những ngôi sao vàng năm cánh đỏ chói trên những phần mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn và nghĩ rằng màu đỏ kia là biểu tượng rất đỗi tự hào của dân tộc Việt Nam : Biểu tưởng của sự hy sinh và chiến thắng .

Ảnh : Đoàn CCB Báo Hải Dương thắp hương các anh hùng, liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn và thành cổ Quảng Trị






Đăng nhận xét