Ads (728x90)


` Khi những tờ lịch cuối năm mỏng dần, khi những cây bàng góc phố đang trút lá, những tia nắng mùa đông ấm áp xua tan những giá lạnh ban mai để những bé gái ,bé trai đeo ba lô , cặp sách hớn hở đến trường .Tiếng người bán bánh mì, bánh bao, hàng quà ăn sáng ríu ran trong các góc phố, tiếng chổi quét rác lạo xạo của những cô công nhân vệ sinh môi trường ... như đem lại cảm giác thư thái thường nhật của mỗi người trong buổi sáng mùa đông.

Có người thích mùa hè, có người yêu mùa thu, có người đam mê mùa hạ nhưng riêng tôi, ấn tượng nhất và để lại nhiều cảm xúc nhất là mùa đông, mùa đông tuổi thơ...
Quê tôi, một làng nhỏ nằm bình yên bên bờ sông Luộc. Vào những buổi sáng mùa đông, hai bên bờ sông là những doi đất đỏ au, người ta trồng bạt ngàn những bãi ngô, đủ thứ rau xanh các loại. Nghĩa là không một tấc đất nào để thừa...Buổi sáng mùa đông , sương giăng giăng , ông mặt trời uể oải như ngái ngủ từ từ thức dậy sau một đêm lặn mất tăm ở đâu đó, mặc dù cái giá lạnh buổi sớm cũng không ngăn nổi bản chất cần cù của người nông dân một nắng hai sương. Trên các bãi rau, những chị, những mẹ và những cô gái khẩn trương thu hoach rau, ngô để đem đi chợ bán. Nhìn những bàn tay tím thâm vì nước buốt khi rửa rau, những củ cà rốt mập mạp đỏ tươi, những bó cải xanh được xếp cẩn thận lên xe cải tiến dưới chân đê là niềm an ủi nho nhỏ cho mỗi gia đình trong dịp cuối năm khi bao thứ phải chi tiêu...Còn lũ chúng tôi, buổi sáng đi học, buổi chiều ở nhà phụ giúp gia đình , đứa thì trông em, nấu cơm, chăn lợn , đứa thì ra đồng thu hoach rau mầu, chăn trâu cắt cỏ. Cái thú nhất của chúng tôi là đi chăn trâu những ngày chủ nhật. Những buổi chiều cuối năm trên cánh đồng quê mới tuyệt vời làm sao! Vào những ngày này , trên các thửa ruộng chỉ còn trơ gốc rạ. Cái gió bấc căm căm nhưng không ngăn nổi những trò chơi tuyệt diệu cuả tuổi học trò . Hình như tất cả những đứa trẻ sinh ra trong thời bao cấp khó khăn hồi ấy đều đói rét nên khi đi chăn trâu hay cắt cỏ trên đồng thì mỗi đứa thường "thủ" từ nhà đi vài thứ để ăn chung :Đứa thì mang theo một vài củ khoai, đứa thì vặt trộm vài quả chuối xanh mang theo , cũng có đứa cả gan xúc trộm mẹ một chén gạo nếp .Sau những trò chơi đánh trận giả tưng bừng trên đồng, đứa nào đứa ấy thấm mệt và bàn nhau tổng kết. Những mô rạ được gom lại, một đứa moi ra trong túi quần một chiếc bật lửa bằng đồng và bắt đầu nướng khoai, ngô, chuối xanh còn gạo nếp thì được cho vào một mảnh chậu vỡ rang lên. Có đứa không có gì mang theo thì tìm lỗ cua hì hục đào .Chao ơi, nhớ lại những củ khoai nướng vội và mấy con cua cháy rụng càng ngày ấy sao mà ngon đến thế . Những mái tóc cháy nắng khét lẹt, mồm miệng đen nhẻm nhai nhồm nhoàm miếng khoai còn sượng , nóng giãy, vừa ăn vừa thổi thật cảm động. Chỉ một loáng mâm cỗ tổng kết đã hết veo, lúc này cả bọn xúm lại sưởi lửa và bàn chuyện tết nhất. Một đứa khoe tết này bố mẹ nó hứa sẽ bán mấy thúng thóc nếp để dành để sắm tết và chắc chắn nó sẽ có bộ quần áo mới , còn đứa khác thông báo sẽ được về quê ngoại ở tận miền biển để chơi tết...trong số đám bạn tôi, có một thằng gầy gò, ít nói thì lặng lẽ thở dài trong khi cả bọn tranh nhau kể chuyện tết. Thấy vẻ mặt buồn thiu của nó , cả bọn xúm lại hỏi thì nó bảo :Mẹ nó ốm nằm đã mấy năm , chỉ mỗi bố nó cáng đáng mọi việc, nhà nó còn một lũ em nên đến tết gạo chưa chắc có ăn nói gì đến sắm tết .Cu cậu còn cho biết qua tết nó phải nghỉ học để giúp bố ...Nghe bạn thông báo cả bọn tôi buồn thiu và tiếc cho nó vì nó là thằng học giỏi nhất trong đám chúng tôi...
Những câu chuyện không đầu không cuối cũng khép lại khi ông mặt trời mùa đông chuẩn bị đi ngủ, đàn trâu đã no căng thì chúng tôi vắt vẻo trên lưng trâu về làng .Cái lạnh cuối buổi chiều ập đến nhanh chóng, tiếng gõ móng đều đều, lộp cộp của những chú trâu nhỏ dần trong mỗi ngõ xóm...
Bây giờ ra thành phố , bận bịu với công việc mưu sinh, đôi lúc ký ức tuổi thơ ùa lại. Đứng trên sân thượng nhìn về phía chân trời trong chiều mùa đông bảng lảng, lòng tôi như thắt lại và muốn vất bỏ mọi công việc chạy ngay về làng để được tung tăng trên cánh đồng mùa đông năm nào... Tuổi thơ của tôi ơi, sao mà thương thế! chợt nghĩ có phải mình "sến "quá chăng?...

Đăng nhận xét