Đã có thời, trong bản kê khai lý lịch của cán bộ, công nhân vên chức, học sinh, sinh viên...người ta yêu cầu ghi ở mục trình độ văn hó người khai phải ghi rõ: văn hóa học lớp mấy? lớp 5, 7 hay lớp 10 để các nhà tổ chức nắm được trình độ , học vấn của từng nhân viên, dựa vào cơ sở đó để sử dụng và đào tạo cán bộ.
Tôi cứ băn khoăn mãi về cách thống nhất dùng từ khi kê khai hồ sơ hay ở các mẫu sơ yếu lý lịch. Quy định thế nào cho đúng: Gọi là trình độ văn hóa hay trình độ học vấn ? Bởi lẽ từ "văn hóa" là một khái niệm rất rộng , nó biểu hiện sự nhận thức, hiểu biết tương đối toàn diện của mỗi người đối với xã hội, còn trình độ học vấn chỉ là chứng chỉ xác nhận khả năng mỗi người được đào tạo qua hệ thống giáo dục . Dĩ nhiên là tôi chưa tin tưởng lắm về sự phân tích của mình về hai khái niệm này. Nhân một hôm ngồi trò truyện với anh tôi (một nông dân thực thu, anh tôi chỉ học hết lớp 7 cũ) tôi nêu những băn khoăn của mình về cách sử dụng từ như trên, anh cười:
-Chú chẳng hiểu gì sất! Học lớp mấy mà gọi là trình độ văn hóa thì không được mà phải ghi rõ là trình độ học vấn. Để khẳng định cho lý luận của mình là đanh thép, anh bồi thêm: Bố mẹ chúng mình chỉ học lớp 3, lớp 4 mà nuôi con ăn học nên người, đối xử với trong họ ngoài làng rất đúng mực, ai ai cũng kính trọng, còn khối người đỗ đạt, giàu sụ lại có địa vị trong xã hội mà không được như vậy, họ sống không có tình nghĩa, kẻ thì lừa thầy phản bạn, người thì hủ hóa tham ô, vậy ai văn hóa hơn? Vả lại nông dân ta trước cách mạng , 95% dân số là mù chữ, chả nhẽ họ đều là những người thiếu văn hóa, vô học hay sao?
Tôi gật gù xác nhận anh tôi nói chí lý.
Một hôm đang ngồi làm việc , máy điện thoại phòng đổ dồn, tôi vội cầm máy, từ đầu dây bên kia một giọng khê nồng cất lên:-A có nhà không?(anh A là thủ trưởng cơ quan}.Tiếp:-B có nhà không? Tôi vội chạy đi tìm và không biết người gọi đầu dây bên kia là ai nhưng nghe giọng đầy quyền uy và hách dịch lại quá suồng sã. Các anh ấy đều đi công tác vắng, tôi nói với người gọi, tiếng đầu dây kia:
-Vậy hử? chào!
Qua câu chuyện trên điện thoại, tôi dám chắc là người gọi điện cho hai anh A và B phải là người có trình độ văn hóa cao, học vấn rộng, bởi lẽ anh "tiết kiệm" ngôn ngữ tối đa , dĩ nhiêm tiết kiệm luôn cả cái lịch sự tối thiểu của mình (!).
Không thiếu những chuyện thường ngày về hiện tượng "Thừa học vấn, thiếu văn hóa" xung quanh chúng ta. Ấy là khi chúng ta khi đi đường thường chứng kiến những nam thanh, nữ tú rất lịch sự, nhưng khi va xe vào cụ già hay em bé
nào đó họ thường giống nhau ở chỗ: chửi bậy, ăn vạ hay cao chạy xa bay. Ấy là khi ở phòng khách các công sở hoặc là phòng làm việc ở cơ quan, thỉnh thoảng ta bắt gặp mấy cán bộ, nam có, nữ có trông rất bảnh bao ăn mặc đúng mốt . Họ ngồi tụ tập chuyện phiếm ,hoặc dán mắt vào máy tính theo dõi chứng khoán trong giờ làm việc hoặc thao thao bất tuyệt các chuyện "trên giời dưới biển"nào là: cơ quan A đang khuyết một chức phó ngành, đã có mấy "ứng cử viên" nhưng cấp trên chưa ưng , nào là ông B, thủ trưởng cơ quan nọ sắp bị bãi chức, hoặc nói xấu lãnh đạo cơ quan, chê đồng nghiệp ngu dốt, trình độ kém chỉ được cái tài nịnh lãnh đạo ,so với mình thì "chẳng là cái thá gì" và khẳng định là mình không phục, không thèm học...
Tất cả những trường hợp trên, đều xảy ra không ít xung quanh chúng ta và tôi đủ lý lẽ để kết luận: Đó là thực tế đáng buồn của những người" Thừa học vấn, thiếu văn hóa" mà nếu nói rằng họ thiếu cả chữ "Liêm sỉ " thì hơi nặng...
Và từ đó tôi càng tán thành ý kiến của anh tôi, một "Lão nông tri điền" là cần phân biệt rõ ràng, gọi đúng tên, đúng bản chất của từ: Trình độ văn hóa hay trình độ học vấn mà bấy lâu nay tôi và nhiều người nữa vẫn bị lầm lẫn .
Đăng nhận xét