Ads (728x90)

Một ngày trong tuần, tôi dự cuộc họp do liên ngành tổ chức bàn về triển khai công tác trọng tâm trong tháng . Thành phần dự họp hôm ấy chủ yếu là các cán bộ chủ chốt , lãnh đạo các phòng ban của các sở , ngành. Giờ giải lao mấy anh em quen biết rủ nhau ngồi uống nước trong phòng khách của cơ quan đăng cai buổi họp. Lâu ngày không gặp nhau, ai cũng tay bắt mặt mừng và kể cho nhau về tình hình học hành của con cái...và cả những thông tin mới về thời sự trong nước hoặc các giải thể thao quốc tế....Đang vui chuyện, bỗng anh C, một cán bộ phụ trách công tác tổ chức ở cơ quan nọ than phiền :

-Này các ông ạ, tôi nghiệm ra rằng lâu nay ở một số doanh nghiệp nhà nước và có cả các đơn vị hành chính sự nghiệp nữa xảy ra tình trạng lãnh đạo cơ quan, đơn vị đó vì lợi ích cá nhân cố tình đưa người thân của mình vào các vị trí quan trọng của đơn vị để củng cố "ghế" của mình hoặc để bòn rút công quỹ ...do đó, tình trạng thiếu dân chủ trong cơ quan, xí nghiệp xảy ra và đó chính là nguyên nhân của những tình trạng mất đoàn kết nội bộ, đơn thư nặc danh...

-Ông nói rõ xem nào? Một anh hỏi.

-Này nhé, thằng cháu tôi là kỹ sư ở công ty X cho biết, khi mới lên giám đốc, ông giám đốc mới cố tình bố trí những người thân hoặc "cánh hẩu" của mình vào những vị trí quan trọng của công ty như kế toán trưởng là cháu ruột, thủ quỹ là em vợ, thư ký là con ông anh họ, trưởng phòng tổ chức thì gọi giám đốc bằng cậu, thậm chí mấy tay bảo vệ nghe nói cũng là người trong họ...nên một số cán bộ lâu năm trong công ty thường nói đùa với nhau là công ty của gia tộc ông ta.

-Việc bố trí ai vào vị trí nào là quyền của giám đốc, nhưng cốt lõi vấn đề là những cán bộ đó có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không? Một người hỏi.

-Đáp ứng được thì còn ai nói làm gì, kế toán trưởng thì có bằng tại chức, trưởng phòng tổ chức thì vừa làm vừa đi học lớp đại học từ xa, thư ký giám đốc thì cũng học liên thông...những người này năng lực yếu nên chẳng tham mưu, giúp việc được gì, chủ yếu "mưu thì ít còn tham thì nhiều" nên mới có tình trạng kinh doanh thua lỗ, lương cán bộ, công nhân sụt giảm so với "đời" giám đốc trước, tình trạng nội bộ lục đục và đơn thư nặc danh đã xảy ra...

-Còn tôi thì chứng kiến một trường hợp khá "hy hữu" về lòng tham vô đáy của một vị lãnh đạo ở một đơn vị nọ, anh A là trưởng phòng ở sở nọ tủm tỉm . Mọi người tò mò . Anh kể:

- Này nhé, trước khi nhận quyết định nghỉ hưu mấy tháng, ông B, một thủ trưởng của một cơ quan nọ liền nghĩ ra một mẹo là liên tục đổi đảo các vị trí làm việc của cán bộ, CNV. Nhiều người do sợ công việc mới chịu nhiều áp lực nên phải quà cáp , biếu xén ông ta. Chưa hết, trong một tháng, ông nhận mấy chục người vào cơ quan và bổ nhiệm hàng loạt trưởng phó phòng. Ai đời một phòng có 6 người thì 1 trưởng phòng, 3 phó phòng còn chỉ có 2 nhân viên .Anh em trong cơ quan nói đùa là 4 ông trưởng phó phòng thi nhau lãnh đạo 2 nhân viên....

-Thế chứng tỏ ông ấy quan tâm đến công tác cán bộ còn gì? Tôi nói.

-Quan tâm cái gì! Mỗi "suất" vào cơ quan và mỗi chức danh trưởng, phó phòng đều có "giá" của nó, nghe nói sau ”vi vụ" này, ông ấy thu tiền tỷ...Chưa hết , gần đến ngày về hưu ông ấy còn "quăng chài" một mẻ , khiến cán bộ, CNV trong cơ quan vô cùng oán trách .

- Quăng chài kiểu gì? Tôi tò mò.

- Này nhé, lấy lý do khánh thành nhà mới, ông ấy tổ chức một "bữa cơm thân mật" mời tất cả cơ quan từ nhân viên bảo vệ đến các trưởng ,phó phòng. Cán bộ, CNV trong cơ quan gần 400 người, ai cũng nghĩ, lần này là lần chót nên cũng chuẩn bị phong bì để mừng sếp cho tình nghĩa dù trong lòng không thích. "Mẻ lưới" này nghe nói cũng lãi hàng trăm triệu đồng ...

- " Hội chứng gia tộc và tâm lý cuối chầu" là nguyên nhân trì trệ của cải cách hành chính trong các cơ quan, đơn vị và nó là thước đo về phẩm chất của người cán bộ quản lý , nếu người thủ trưởng nào cũng tránh được hội chứng trên thì cơ quan , đơn vị đó phát triển phải biết, đúng không? tôi nói.

-Điều đó quá đúng. Mọi người đồng tình.

Đăng nhận xét