Ads (728x90)

Nhằm giảm bớt khó khăn về mặt tài chính, đồng thời khai thác , phát huy tối đa vốn trong nhân dân nên Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương là các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng ở cơ sở phải dựa vào dân, kết hợp với dân, thực hiện chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Chủ trương đó ở cơ sở chúng tôi thường gọi là "hai cùng". Thuật ngữ đó nghe có vẻ quê mùa nhưng giản dị dễ hiểu .


Nhờ chủ trương sáng suốt đó, trong những năm qua, ở từng địa phương từng cơ sở đã vận dụng tốt và đạt kết quả đáng mừng : Bằng nguồn vốn của Trung ương , ngân sách của địa phương và nhân dân đóng góp, đã giải quyết được bao khó khăn về vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng. Và bao công trình phúc lợi công cộng khang trang như trạm y tế, trường học, nhà văn hoá thôn, khu dân cư....thậm chí đầu tư vào sản xuất như thiết bị , giống vốn, cây con đều được giải quyết khá tốt, góp phần thiết thực vào phát triển sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân.

Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là: có những cá nhân, tập thể hoặc một đơn vị nào đó lợi dụng chủ trương trên để trục lợi cá nhân, tham ô tài sản của Nhà nước,

chiếm đoạt những đồng tiền xương máu, mồ hôi nước mắt của nhân dân dưới nhiều hình thức , với nhiều thủ đoạn tinh vi và đã làm cho người dân không ít nơi hiểu sai và mất niềm tin về chủ trương "hai cùng" trên.

Trong một lần đi công tác tìm hiểu phong trào sản xuất ở một địa phương nọ, tôi nghe dư luận to nhỏ về một số cán bộ xã : Nào là tham ô, ăn cắp công quỹ , "thăn" vào hầu bao của người dân...Với một giọng ấm ức , họ kể :

- Mấy căn nhà ba tầng mang dáng dấp biệt thự ở đầu làng là nhà của mấy "sếp'' xã đấy! là " thành... quả" cuộc cách mạng "ĐIỆN, ĐƯỜNG, TRƯÒNG, TRẠM" của người dân quê tôi đấy! hoặc :

- Anh biết không, xã tôi vừa khánh thành hai ngôi trường tiểu học, THCS với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng . Xong vụ xây trường , mấy " tay" cán bộ xã chắc đủ tiền tậu được đất ngoài thành phố hoặc ối tiền gửi ngân hàng...

Khi hỏi có chứng cớ gì về tham ô, ăn chặn tiền công quỹ , tiền tập thể, tiền nhân dân đóng góp của những cán bộ kia, họ cười chua chát :

- Chứng thì chịu, còn cứ thì thế này: Vợ con họ cũng làm ruộng như chúng tôi, cũng hai sào bình quân đầu người . không giỏi làm VAC, không mở mang trang trại, dịch vụ, không có con đi Nhật, đi Hàn...với đồng đất này đủ ăn là giỏi lắm rồi , nếu nhà nào có con học đại học thì không sạt nghiệp cũng khốn khổ thì tiền ở đâu ra mà xây nhà lầu, sắm xe "xịn", đồ đạc đắt tiền, tậu thêm đất mặt đường...?

Rồi họ phàn nàn là, bất cứ khoản nào dân cũng phải đóng góp tuốt tuột : Từ xây xây trường học, trạm y tế, nghĩa trang liệt sĩ , xây hội trường , nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào bị bão lụt...đều cứ bổ vào đầu người mà thu . Có công trình đã đưa vào sử dụng dăm sáu năm mà người dân đóng góp vẫn chưa xong!

Chú em họ tôi, một lần đi chữa bệnh tạt vào thăm tôi, kể về tình hình ở quê, nhân nói về các công trình của xã đang chuẩn bị hoàn thành, liền bảo : "để có được ngôi trường kiên cố cao tầng cho bọn trẻ học, bình quân mỗi khẩu phải đóng hơn 100 nghìn đồng, để có hệ thống đường giao thông bê-tông liên thôn, liên xóm, bình quân mỗi người từ "nam phụ" đến " lão ấu" đều phải đóng ba trăm nghìn đồng ...đấy là những khoản đóng góp lớn , còn nhiều khoản lặt vặt như "ủng hộ người nghèo",quỹ "chất độc da cam", quỳ khuyến học...thì không nhớ nổi. Rồi chú em hài hước : không khéo , nay mai người dân còn phải đóng góp khoản chi phí cho phong trào thi "hoa hậu hoàn vũ" nữa chắc !
Thế đấy ! Chủ trương của Nhà nước là đúng đắn . Nhưng, ở không ít nơi đã có những lời dị nghị của người dân, thậm chí còn cả đơn thư "vạch mặt chỉ tên"một số cán bộ có chức, có quyền tham nhũng . Đó là những cán bộ biến chất, lợi dụng kẽ hở để kiếm chác, mưu lợi riêng . Họ lý sự : "Dễ trăm bề không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong" . Kiểu lý sự mưu mánh lợi dụng này thực đáng phải phanh phui xử lý lắm thay!

Đăng nhận xét