Ads (728x90)


Vài năm gần đây, trong ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày ở các cơ quan Nhà nước , các doanh nghiệp quốc doanh, ta thường thấy xuất hiện thêm một cụm từ lạ tai: "Của chùa".Vậy của chùa là gì? Tại sao nó thường được sử dụng rộng rãi như vậy? Có phải bản chất của từ này đáp ứng và thích hợp với nền kinh tế thị trường , thời mở cửa chăng?

Ngày nhỏ , tôi thường được nghe các cụ răn dạy : "Của chùa mất một đền mười" .Câu nói đó là có ý răn đe mọi người không được xâm phạm đến chốn uy nghiêm thờ thần thánh , một trong các những tín ngưỡng của dân tộc ta. Còn ngày nay, cụm từ "Của chùa"đang được lưu hành nghe chẳng khuyến thiện chút nào !

Này nhé !Trong khi Chính phủ đã ra chỉ thị về chống lãng phí trong các cơ quan và các doanh nghiệp Nhà nước, như cấm rượu bia ở các hội nghị tổng kết, không dùng thuốc lá tiếp khách, xoá bỏ tệ phong bì, phong bao...thì tình hình này ở các cơ sở có vẻ triển khai chậm chạp. Ở các hội nghị tổng kết , sơ kết , kỷ niệm ngày thành lập ngành ...nếu không có tí hơi "men" hay " khai vị" thì người ta thấy...ngỡ ngàng. Sang thì người ta dùng Uýt-ki hoặc sâm banh loại "xịn" hoặc các loại rượu tây khác cỡ tiền trăm hoặc tới cả triệu đồng , và thậm chí với giá mà người dân bình thường không thể tưởng tượng nổi , thường thì bia lon, bia chai các loại cũng 7, 8 nghìn đồng. Bia tràn trề như suối . Có người còn ngân nga:

"Chỉ có miệng mới hiểu

Rượu đi đâu về đâu

Chỉ có bia mới biết

Bụng mênh mông nhường nào ! "

Nếu ai có ý gì khác thì người ta nhất loạt hô : "Của chùa mà!"

Từ "Của chùa" ngày nay còn được diễn đạt những điều rất tế nhị, ám chỉ các mối quan hệ bang giao của cơ quan cấp dưới với cấp trên, của cơ quan A với cơ quan B mà thực chất là "lá giầu mặt" giữacá nhân với cá nhân. Những nguồn kinh phí ngoại giao này thường xuất phát từ cái kho vô tận là... " Của chùa"! Nhân bàn về chủ đề nay, một người quen của tôi quả quyết : đám cưới con ông nọ, một vị chức sắc mà nhiều cấp , nhiều ngành phải nhờ vả đã thu được khoản tiền mừng khổng lồ: Trên hai tỷ đồng!Thật kinh khủng , thấy tôi trợn tròn mắt, anh bình tiếp một câu : "nếu tiền túi bỏ ra thì chỉ mừng hai hoặc ba trăm nghìn là " sộp" rồi . Nhưng với danh nghĩa cơ quan, đơn vị, nhà máy nên có phong bì chứa tới hàng nghìn "đô". Vì một lẽ đơn giản : Nó là ...tiền chùa ! Ở những quán ăn nổi tiếng với đầy đủ các món đặc sản, ta thường thấy những xe con gắn máy lạnh đời mới hoặc những xe máy thuộc dòng "xịn" xếp từng dãy dài. Hãy vào thử xem những "khổ chủ" của những bữa tiệc tưng bừng ấy là những ai và số tiền bỏ ra đãi khách của ai? Xin thưa : phần lớn họ là những người có chức, có quyền và "Tiền chùa" cả đấy! Còn những người lao động bình thường thì ai mà dám bán đi mấy tạ thóc, một con lợn hay cả tháng lao động ròng rã để đổi lấy một bữa tiệc sang trọng ở những nhà hàng này ? Bởi một lẽ đơn giản họ không bao giờ có diễm phúc được ký vào khoản chi có danh mục là ... "Tiền chùa".

Nhiều hoạt động rất xa xỉ và lãng phí khác ở không ít cơ quan Nhà nước, đơn vị tập thể (mua sắm các loại xe con loại "xịn" , nâng cấp trụ sở, trang trí nội thất, trang bị cho cá nhân thủ trưởng ...) đều dùng "Của chùa" để đầu tư.

Thế là rõ ,"Của chùa, tiền chùa" chính là tiền công quỹ , của tập thể mà suy cho cùng là tiền của nhân dân, của Nhà nước đã bị xâm hại ghê gớm. Thật buồn thay!

Đăng nhận xét