Ads (728x90)




Tác giả PHÙNG ANH BẢN

(Bài này tôi viết về ông nội tôi, ông có một vết sẹo ở bờ vai do thực dân Pháp tra tấn. Ông tôi đã đi xa, tôi viết để tưởng nhớ ông. Bài đã đăng báo tỉnh)

Ông nội tôi tròn 80 tuổi, có nước da ngăm đen, đôi mắt sáng, tóc và râu bạc như cước, nụ cười hiền từ. Tuy tuổi đã cao, nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn.
Lúc nhỏ, tôi quấn quýt bên ông, ông thường ngồi chụm hai chân đan rổ, rá, khi đan những cái lồng để nhốt gà, ông xoay mình để đan hình tròn, nan tre được đan lại tạo thành những ô trống hình mắt cáo. Ông còn dạy tôi cách làm diều khi hè về, những chiếc diều của ông dài ba mét. Diều được làm rất công phu, nan tre phải vót cho đều, diều to được bọc bằng ni lông khâu bằng dây gai, dây thả dùng dây gai bện lại, lực cân bằng ở giữa thì mới được . Sáo diều được làm từ cây nứa cắt khúc, diều dài ba mét có ba sáo, sáo to nhất tiếng trầm, to bằng bắp tay, hai sáo còn lại nhỏ hơn, ngắn hơn tiếng thanh. Tiếng sáo diều của ông vi vu, trầm bổng trong không trung suốt mùa hè, điểm thêm những nốt nhạc đồng quê vào bản nhạc giao hưởng tuổi thơ của tôi. Cảnh thường ngồi ngắm ông, ông giống như ông tiên hiện ra trong chuyện cổ tích mà mẹ tôi hay kể.
Có lần ông nằm trên ghế dài, chân vắt chữ ngũ, tay cầm quạt giấy phe phẩy. tôi đứng bên ông, ông nhìn tôi :"Cháu muốn nghe ông đọc thơ không, ông đọc thơ tứ tuyệt của cụ Nguyễn Khuyến cho cháu nghe nhé?" tôi chưa kịp trả lời, ông đã đọc:" - Ao thu lạnh lẽo nước trong veo - Một chiếc cần câu bé… " Rồi ông lại chuyển sang đọc thơ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương "Qủa cau nho nhỏ miếng trầu hôi - Này của Xuân Hương đã quệt …". Ông còn đọc thơ của nhiều thi sĩ khác, những câu ca dao, hò vè dân gian , mỗi lần đọc xong ông lại giải thích về ý nghĩa của câu thơ, ca dao... Lúc đó, tôi chưa biết nhiều về nhà thơ Nguyễn Khuyến, nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương, chưa cảm nhận được cái hay của thơ, ca dao, hò vè... nhưng nghe tiếng ông đọc trầm ấm mà tôi thấy thư thái lạ. Có lần mẹ tôi mắng: "Cứ mải chơi, không chịu làm gì cả...", ông nói :" Đừng mắng cháu thế con, cháu nó còn nhỏ, dạy nó từ từ! " tôi ấm ức, ông kéo tôi vào lòng và tiếng thơ lại vang lên. Cứ mỗi lần đi học về, tôi lại chạy đến bên ông, kể cho ông nghe chuyện ở lớp, ở trường. Ông lại nói "Cháu ngoan của ông!". Có một lần ông tắm, tôi chợt nhìn thấy nhiều vết sẹo, nhưng có một vết ở vai là to nhất, diện tích bằng bàn tay nằm dọc theo xương đòn gánh, vết sẹo trắng bợt lốm đốm màu nâu sẫm và da nhăn nheo hơn chỗ da khác. Tôi ngạc nhiên ngây thơ hỏi ông: "Ông bị ngã hay sao mà có nhiều vết sẹo thế?", mặt ông thoáng buồn nhìn tôi: "Chuyện dài lắm, cháu còn nhỏ, khi nào cháu lớn ông sẽ kể cho nghe…" Tôi gặng hỏi nhưng chỉ thấy ông im lặng.
Thời gian trôi. Tôi đi học xa nhà, rồi đi công tác xa quê. Do bận rộn công việc, lo toan cuộc sống, không có dịp hỏi về vết sẹo của ông mà lúc còn nhỏ tôi đã từng đặt câu hỏi. Rồi có một lần, tôi được nghe mẹ kể: "Vết sẹo ở vai của ông là do lúc còn thanh niên, ông tham gia Cách mạng và bị giặc Pháp bắt, chúng dùng mọi thủ đoạn tra tấn ông rất dã man, bắt ông khai ra cơ sở, đồng đội, ông cắn răng chịu đựng. Chúng dùng gậy có bốn cạnh đánh vào vai, lưng, lợi dụng vết thương bầm dập rỉ máu, chúng lấy một miếng kim loại có cán để cầm, nung lửa cho đỏ và dí vào chỗ vết thương ở vai, thịt cháy khét và ông ngất đi…". Tôi lặng người đi. Câu hỏi thuở nhỏ của tôi bây giờ mới được giải đáp, nhưng không được nghe ông kể nữa mà là lời kể của mẹ . Tôi đã hiểu được đầy đủ nguyên nhân ông có vết sẹo ở vai thì ông đã đi xa. Thắp nén hương trước tấm ảnh ông mà lòng nghẹn lại. Ông vẫn như đang cười với tôi và giọng đọc thơ của ông lại vang lên.
Chiến tranh đã đi qua từ lâu , ông tôi cũng không còn nữa. Đất nước đang trên đà đổi mới và phát triển, hàn gắn những vết thương chiến tranh để lại. Nhưng vết sẹo của ông, vẫn chưa lành hẳn trong tâm thức của tôi.


Hoa Lyly

Đăng nhận xét