Ads (728x90)



Những năm gần đây, nước ta nhập từ các nước phương Tây những sản phẩm làm đẹp (mỹ phẩm) chế từ cây Aloe vera: xà phòng tắm, kem xoa cạo râu,kem gội đầu (shampoo)… sản phẩm nào cũng quảng cáo là được pha dịch chiết của cây Aloe vera với tỉ lệ 0,1 - 0,2% có tác dụng giữ cho da khỏi khô, luôn mịn màng, khi lưỡi dao cạo chạy qua không bị nóng rát… Vậy cây Aloe vera là cây gì? Nước ta có hay không?
Aloe vera chính là tên khoa học của cây Nha đam, còn có tên Lô hội, hay Long tu (râu rồng), Lưỡi hổ, Tượng đảm (Mật voi) mọc rất dễ dàng ở khắp nước ta, nhiều nhất ở các tỉnh miền Nam Trung bộ (Phan Rang, Bình Thuận…). Một số gia đình trồng trong chậu để làm cảnh, vì cây tuy ít khi ra hoa, nhưng với những lá hình nón, dài nhọn, dài từ 30-50 cm, mặt trên khung hình máng, mặt dưới cong, rộng 5-10 cm, dày 1-2 cm, màu xanh lục nhạt, với những điểm trắng tròn hoặc dài, mép điểm những răng cưa nhỏ trắng, mọc thành vành từ gốc, cây Nha đam trông rất ưa nhìn.
Nhân dân ta từ lâu đã biết sử dụng lá Nha đam để chữa bệnh: dạng thuốc phổ biến nhất là nhựa lá Nha đam cô đặc có tên Lô hội (lô là đen, hội là tụ lại, vì nhựa lá cây cô lại có màu đen nhánh). Tác giả người Pháp là A. Petelot đã viết rằng: vùng Phan Rang - Bình Thuận đã nấu lá Nha đam để sử dụng trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc với tên Lô hội, có năm đã đưa sản lượng Lô hội lên tới 500- 600 kg. Lô hội được dùng trong cả Đông và Tây y (Tây y với tên Aloes, Đông y với tên Lô hội).
Tính chất của Lô hội được ghi trong các sách cổ là vị đắng, tính hàn, vào 4 kinh can, tỳ, vị và đại tràng, dùng làm thuốc thanh nhiệt (hết sốt nóng, thông đại tiện, mát gan). Lá Nha đam khi đã chế thành Lô hội đặc cứng thì chỉ dùng với liều rất nhỏ (0,05 đến 0,1g) để giúp sự tiêu hóa, và với liều 0,15- 2g nếu muốn tẩy hay nhuận tràng. Nhớ rằng không được dùng Lô hội quá liều 2g để tẩy có thể nguy hiểm. Phụ nữ có thai cũng không được dùng. Tốt nhất chỉ nên dùng lá tươi như nhân dân vẫn làm như sau: cắt hai, ba lá Nha đam, bóc bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài. Lấy phần ruột lá trông như miếng thạch màu xanh. Thái nhỏ, ăn với đường hay nấu với đậu xanh thêm đường vào mà ăn. Ngày ăn 1-3 lá như vậy sẽ giúp ăn ngon cơm, phụ nữ kinh nguyệt điều hòa, hết táo bón, phân mềm nhão, không lỏng.
Dùng lá Nha đam đắp bên ngoài trong những trường hợp bỏng, vết đứt tay chân, trĩ ngoại gây viêm tấy, đau nhức, đau mắt đỏ và hầu như tất cả mọi tổn thương ngoài da khác. Cách làm cũng rất đơn giản: cắt một hai lá Nha đam (tùy theo diện tích nơi tổn thương), bóc bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài. Chỉ lấy phần lõi trong, hơi xanh ở trong. Đắp ngay lên nơi tổn thương. Nếu để đắp mắt đau, chỉ cắt lấy một phần lá; từ phần lá cắt ra, lại chỉ cắt từng miếng nhỏ, vừa to hơn con mắt một chút. Bóc bỏ lớp vỏ cứng. Dùng lõi xanh đắp lên mắt. Ngày thay hai ba lần.
Trên cơ sở những kinh nghiệm dân gian tại những nơi có Nha đam mọc, các nhà nghiên cứu châu Âu, châu Mỹ vào mấy thập niên gần đây, trong phong trào trở lại với thiên nhiên, đã nghiên cứu dùng lại những cây cỏ trong việc phòng và chữa bệnh cũng như để làm đẹp con người, mới phát hiện tác dụng kháng sinh, làm cho da mịn, khỏi khô da đầu do bị các hóa chất dùng trong dầu gội đầu. Đó là lý do chúng ta thấy trong thập niên gần đây các nước châu Âu thi nhau sản xuất những chế phẩm có chứa chất “thạch” trong lá Nha đam. Nhưng có đọc kỹ những lời giới thiệu sản phẩm, chúng ta mới thấy tỉ lệ chất Nha đam chứa trong các sản phẩm đó rất thấp 0,1 đến 0,2 %, còn lại là các hóa chất dùng để bảo quản, thêm màu, mùi thơm, tạo bọt v.v… Nếu tính giá một sản phẩm nặng 100- 150g thì tỉ lệ thành phần Nha đam chứa trong đó chưa bằng lượng những chất đó chứa trong một lá Nha đam chúng ta cắt từ cây Nha đam trồng trong chậu. Cho nên mỗi một gia đình nên trồng một hai chậu Nha đam vừa để làm cảnh vừa để làm thuốc. Trồng lại rất dễ; có thể dùng cây con hay lấy một đoạn rễ đặt vào một chậu có chứa đất. Phủ đất lên, giữ ẩm đều.

Đăng nhận xét