Giá trị dinh dưỡng của trái Thanh long?
Cây Thanh long còn có tên: Mắt rồng (oeil de dragon); tên khoa học là Hylocereus undulatus thuộc họ Long cốt (Cactaceae) chỉ mọc ở những tỉnh nắng nóng ở phía Nam nước ta, nhiều nhất tại mấy tỉnh Thuận Hải, Nha Trang, Long An.
Mùa quả vào các tháng 6-9, quả Thanh long màu đỏ đẹp, dài 18-20 cm, rộng 12-15 cm. Sau lớp vỏ mỏng màu đỏ có những phiến hoa còn lại. sau khi bóc bỏ lớp vỏ màu đỏ, thịt quả màu trắng xanh, với rất nhiều hạt màu đen, nhỏ hơn hạt mè, nhân dân vẫn dùng ăn, mát và ngọt. Đặc biệt mấy năm gần đây, Thanh long trở thành một nguồn xuất khẩu.
Về phân tích hóa học, hiện còn rất ít công trình nghiên cứu. Nhưng sơ bộ ta thấy trong quả Thanh long có rất nhiều chất nhầy, chất pectin, ít vitamin C. Những chất nhầy và pectin thuộc nhóm các xơ thực vật. Trước đây người ta đánh giá những chất xơ thực vật là những chất độn, ít có tác dụng bổ dưỡng, và ít tác dụng đối với sức khỏe con người. Nhưng vài thập kỷ gần đây,xuất phát từ nhận xét rằng: vài trăm năm trước đây, dân châu Âu chỉ ăn nhiều thức ăn thực vật, mỗi ngày rau cỏ, hoa quả cung cấp cho họ từ 60-120g chất xơ thực vật. Nhưng sau khoảng 200 năm công nghiệp hóa, dân châu Âu ăn toàn những thức ăn đã chế biến, chỉ còn đưa vào trong người mỗi ngày khoảng 20g chất xơ thực vật. Cách ăn uống này đã gây cho nhân dân châu Âu những bệnh gọi là “bệnh văn minh” như táo bón, béo phì, tiểu đường, dư cholesterol, vữa xơ động mạch, viêm ruột kết, là những bệnh dường như ít gặp ở những dân tộc ăn những thức ăn có nhiều chất xơ.
Ăn quả Thanh long cũng như ăn chè hạt é có chứa nhiều chất nhầy, người ta thấy “mát” và “ngọt”, phải chăng đó là do thành phần nhiều chất nhầy và pectin của quả? Tính chất ngọt và “mát” này thể hiện ở chỗ làm hết táo bón, thân thể nhẹ nhàng. Nhưng nếu ăn quá nhiều có thể gây ỉa chảy. khi thấy ỉa chảy chỉ cần nghỉ ăn Thanh long là hết.
Đăng nhận xét