Ads (728x90)


Năm nào cũng vậy, cứ vào cữ tháng Chạp thế nào tôi cũng bố trí về thăm quê được một lần, ấy là lịch trình không thay đổi của tôi mấy chục năm nay , kể từ khi làm nhà trên thành phố.
Tháng Chạp là dịp con cháu về thăm mộ tổ tiên trước Tết

Lần này cũng vậy, sau hơn một tiếng xe máy (làng tôi chỉ cách thành phố hơn 40 cây số) là tôi đã có mặt bên cây cầu bê tông đầu làng, nơi có cây gạo xù xì gìa nua soi bóng trên dòng sông . Cây gạo này đã có từ lâu, nghe nói từ thời ông nội tôi , nó là tiêu điểm của mỗi người đi xa khi trở về .Về mùa đông , cây gạo trút hết lá, phải đến mùa xuân khi những mầm xanh trổ những mắt biếc chui qua lớp vỏ xù xì dày cộp để những đàn chào mào, sáo sậu ríu ran bay lượn kiếm mồi và hứng lên thì vài cặp sáo sậu làm tổ trên cây (chim sáo thường làm tổ trên cây gạo và rất an toàn vì trẻ con khó trèo bắt). Cái thú về quê những ngày tháng Chạp hoặc những ngày cận Tết nó làm biết bao người xa quê chộn rộn : Được sống trong bầu không khí của nhà nông đang tất bật thu hoạch vụ đông . Đến chơi nhà nào cũng thấy ngô , khoai tây phơi kín sân, trong bếp thế nào cũng có nồi ngô nếp sôi sùng sục tỏa mùi thơm nức mũi .Bác chủ nhà niềm nở rót bát nước chè xanh bốc khói và dúi vào tay một bắp ngô nếp nóng giãy . Trên con đường liên thôn, từng đoàn người đi lại tấp nập, người thì kéo chiếc xe cải tiến nặc nè toàn bắp cải căng tròn đến điểm thu mua, kẻ thì kĩu kịt đôi quang gánh toàn ngô nếp, cà chua chín mọng trông rất thích mắt, Họ vừa làm vừa kháo nhau về gíá cả lên xuống của từng loaị rau vụ đông, cười nói râm ran như để xua bớt cái lạnh của đợt gió mùa đông bấc. Ở cạnh bờ ao đầu làng, mấy cô gái bịt khăn vuông kín mặt chỉ hở ra đôi mắt đen nhánh đang rửa rau cần để chuẩn bị cho phiên chợ ngày mai . Họ vừa làm vừa thì thầm kể cho nhau nghe những câu chuyện riêng tư đầy bí mật. Thỉnh thoảng lại ré lên những tiếng cười giòn tan làm mấy chú bê non đang gặm cỏ gần đấy giật mình ngơ ngác. Cái thú về quê trong những ngày tháng Chạp là được đi dọc con đường làng ngắm nhìn cả cánh đồng tấp nập đang thu hoạch rau xanh .Bên này con mương là cánh đồng chiều được ải trắng xóa chỉ chờ nước về đổ ải. Tiếng còi bim bim xin đường của những xe taỉ về "ăn rau" mang vào tận miền Trung, miền Nam làm rộn ràng thêm không khí Tết ở vùng quê thuần nông này . Những ngày tháng Chạp ở quê quả là tất bật khác thường: Chủ của những ngôi nhà đang xây lên tầng hai, tầng ba trong thôn rất lo vì thợ cuối năm nhiều việc nên chưa chắc đã kịp khánh thành trước Tết. Nhà thì đôn đáo mượn thêm người để kè nốt bờ vùng trang trại, xây thêm chuồng lợn chăn nuôi để năm mới tính hướng chăn nuôi, thả cả theo hướng quy mô , vì năm nay vừa " trúng quả" mấy chục tấn cá ...Nhưng cũng có người hết ra ngóng vào trông mấy anh con trai đang đi làm ăn xa ở tận trong Nam liệu Tết nhất ,tàu bè đi lại có tiện không để kịp về trước ngày ông Táo...
Cái thú về quê trong những ngày tháng Chạp là cứ gặp bất kỳ người làng nào , ai ai cũng đon đả thăm hỏi. Câu hỏi điệp khúc mà mấy mươi năm qua của họ vẫn không thay đổi là: -Ông , anh đã về ăn Tết đấy à? Tết nhất ngoài tỉnh có to không ? Các ông cán bộ chắc được thưởng nhiều tiền lắm nhỉ...Tết nhớ đến nhà tôi uống với tôi chén rượu nhé...


Những câu chào mời của người nhà quê sao mà chân tình thế, , mộc mạc thế , thảo nào nó là nơi "neo giữ hồn quê" như nhà thơ nào đó đã ví von. Đi trên con đường quê trong chiều tháng Chạp, cái nắng hanh vàng của mùa đông như nhuộm vàng trời đất làm lòng ta như dâng trào cảm xúc . Nhưng cảm xúc mạnh mẽ nhất , lớn lao nhất có lẽ là quê ta đang đổi thay từng ngày...

Đăng nhận xét