Ads (728x90)

Mấy hôm nay đài liên tục báo rét, cả miền Bắc ngậm chìm trong cơn rét đậm như báo hiệu một mùa màng đầy khó khăn của nhà nông vì trên cánh đồng quê tôi ải đã khô trắng (được ải) nhưng chưa có nước đổ ải .Nhìn tất cả các dòng sông , kênh mương ở cánh đồng thì gần như khô cạn cả. Những dược mạ xanh không đều vì thiếu nước đã làm những khuôn mặt vốn đã nặng trĩu âu lo của các bác tri điền càng thêm nhiều nếp nhăn làm tôi nhói lòng ... Ngày cuối tuần , tôi tranh thủ về quê thăm họ hàng . Trên đường về những vạt rau xanh tốt ven đường đang vào mùa thu hoạch. Những cô gái mặc những bộ áo bảo hộ rộng thùng thình bên trong phải độn thêm áo len , đầu quấn khăn,che kín mặt tránh gió chỉ hở ra đôi mắt vội vã đùn những xe cải bắp nặng nề về điểm tập kết để cân cho chủ hàng. Tiếng họ lao xao trong gió: -Bắp cải hôm nay giá bao nhiêu? -Hai nghìn loại 1, loại 2 nghìn sáu... Có tiếng thở dài của một ai đó mơ hồ thoảng qua trong gió: -Giá thịt lợn ba chỉ cũng bẩy tám mươi ngàn đồng , cả xe cải bắp này chỉ đủ cân thịt...



Xót xa vì rau quá rẻ...
Nghe họ nói với nhau như thế, tôi thấy một tốp 3-4 người phụ nữ , người thì gom rau cải để rửa ở bờ mương, người thì nhanh thoăn thoắt chặt những cây bắp cải căng tròn rồi xếp vào xe cải tiến. Hình như mải công việc nên chả ai để ý đến cái rét cắt da, cắt thịt và những cơn gió bấc quất vào mặt , còn chị rửa rau ở bờ mương cũng vội vã xếp vào đôi quang đầy tú ụ gánh rau cải xanh rờn mặc cho đôi bàn tay tay đã tím tái...

Có một vài chiếc xe 4 chỗ bóng lộn bấm còi bim bim vượt lên , nhìn qua cửa kính thấy một vài người ăn mặc sang trọng, béo tốt và những phụ nữ dáng vẻ quý phái đang thiu thiu ngủ mặc cho cái gió , cái rét cắt da cắt thịt đang gào rú ngoài trời . Chả hiểu đầu óc tôi mộng mị hay sao mà tự nhiên tôi nghĩ những ông bà nông dân , những chị phụ nữ đang đầu tắt mặt tối kia giá mà được ngồi trong những chiếc xe ấm áp kia bon bon về quê thì cảm giác của họ thế nào? Một ý nghĩ thoáng qua (có lẽ do ghen tỵ) nên tôi cho rằng những người chủ của những chiếc xe sang trọng đó có thể giầu nên từ những việc làm bất chính hoặc do cơ chế tạo nên ... Nhưng khi thấy những bác nông dân , chị phụ nữ dầm đôi chân tím tái trong nước lạnh để chăm sóc mạ, thu hoạch rau, tự nhiên tôi yên tâm và thấy mình còn may mắn hơn họ nhiều vì về quê thăm họ hàng vẫn còn được ngồi trên xe máy và quần áo ấm trang bị kín người...



Thêm được đồng nào hay đồng ấy...

Về đến bến đò đầu làng , trong lúc ngồi chờ đò, tôi vào quán bán nước chè xanh làm bát cho ấm bụng. Nghe mấy bà, mấy cô kháo nhau: -Thằng cháu tôi điện về, Tết này nó được thưởng Tết hơn 5 triệu đồng..

-Ăn thua gì, con nhà ông A làm cho liên doanh ở tận "Xà-goòng" điện về bảo bố mẹ cứ mổ lợn thật to vì nó được thưởng Tết 20 triệu...

- Chỉ có người nông dân chúng ta chẳng có ai thưởng Tết cả , lại phải bán thóc đi để sắm Tết và tự thưởng cho mình...một bà chêm vào.

Những câu chuyện không đầu không cuối của họ cử lởn vởn trong đầu , tôi nghiệm ra rằng quả là có quá nhiều điều vô lý . Tỷ dụ như người nông dân một nắng hai sương suốt ngày làm nên những phẩm vật tuyệt vời của đất trời nhưng họ ít có cơ hội được hưởng thụ : Những hạt gạo tám xoan thơm lừng phải bán cho các nhà hàng đặc sản để lấy tiền đóng học cho con, những chú gà quê chắc nịch, những qủa cam chín mọng phải về thành phố để lấy tiền chữa bệnh...Còn họ phải bằng lòng ăn gạo cao sản cứng queo với mấy miếng đậu kho mặn, mặc thì toàn quần áo lỗi mốt loại rẻ tiền ở trên tỉnh thải về...

Tôi thầm ước chính sách "Tam nông" của Đảng sớm thành hiện thực để sự ngăn cách giữa thành thị và nông thôn ngày một gần hơn...

Đăng nhận xét