Năm nào cũng vậy, cứ khoảng 26 hoặc 27 tháng chạp là chúng tôi lại về quê ăn tết, hoặc về gửi tết. Ở quê tôi có lệ, con cái các gia đình dù đi đâu, làm ăn ở xa hoặc ở gần, cú đến giáp tết là bồng bế nhau về quê, về làng. Có thể họ ở lại mấy ngày tết đón xuân ở quê nhà, nếu không ở lại được thì cũng phải về trình các cụ, thăm hỏi trong họ, ngoài làng, biếu quà trước tết rồi mới trở lại quê mình đang sinh sống. Đó là cái lệ ở làng tôi, có lẽ nó còn là cái lệ chung của bao làng quê khác và trở thành thói quen của những người con xa quê hương. Một nếp nghĩ đã hình thành từ lâu làm cho ta không thể bỏ nó được, một thói quen văn hóa gắn mỗi người với nơi cội nguồn mình sinh ra, khiến cho mỗi chúng ta dù quanh năm lo toan vất vả, người thì thành đạt giàu sang, kẻ thì tất bật khó khăn nhưng đều trở về cái làng quê "chôn rau cắt rốn" của mình để thắp hương ông bà tổ tiên, thăm hỏi bà con họ mạc mới phải đạo.
Hồi còn nhỏ ở nhà đi học, mỗi lần tết đến, bố tôi thường nhắc nhở: - Anh chị mày đến giờ đã là 26 tháng chạp rồi mà chưa về, có nhẽ chúng nó mải làm ăn nên quên ông bà tổ tiên hay sao? không biết tàu xe độ này có đông không? Nghe nói trộm cắp ở các bến tàu bến xe ghê lắm (dạo còn bao cấp). Hay: chúng nó không đánh thư về, hay vợ chồng con cái nó ốm đau gì nên về muộn thế... Nhà mình cứ để lại ít gạo nếp và con gà sống thiến, nhỡ ra giêng chúng nó về thì còn cái mà phần chúng nó chứ... Thỉnh thoảng bố tôi lại tắm tắc: Vợ chồng nhà Ngoan con ông Độ xóm ngoài ở tại "Xa goòng" đã về rồi đấy, ông bà Độ thế mà sướng nhất xóm, con cái phương trưởng giàu có, về quê ăn tết mà cưỡi xe máy, biếu quà khắp xóm...
Nhớ lại những lời của bố hồi nào, tôi hiểu được tâm trạng của ông, của những người ở quê mong ngóng chờ đợi những người con đi xa.
Công việc cuối năm quả là tất bật, rồi cũng đến lúc đồng chí phụ trách hành chính viết thông báo chính thức lịch nghỉ tết lên bảng to tướng ở đầu phòng họp và vợ chồng tôi tất tả thu xếp nhà cửa, gửi hàng xóm, chuẩn bị hàng tết từ bao thuốc lá, cân chè, chai rượu, gói bánh... xem còn thiếu thứ gì không và không quên mang theo quần áo dự phòng cho con nhỏ để lên đường về quê. Cái xe "79" tậm tịt mọi ngày, nổ cứ khùng khục, như cơn động kinh của người bệnh, nó còn là đề tài muôn thuở của đám bạn cùng cơ quan, thế mà hôm nay bốc ra phết. Chở cả 3 người, con bé ngồi giữa, vợ tôi ngồi sau, xe luồn lách trên đường cứ ngon ơ!
Về đến đầu làng, tôi cho xe chạy chậm lại và thỉnh thoảng đạp phanh để chảo hỏi người quen dọc đường, có lúc dừng hơi lâu để nói chuyện với một bậc chú bác trong họ, hay một thằng bạn cùng trang lứa. Đến đầu ngõ, thấy bố tôi đang lúi húi với đám khoai tây mới dỡ, cụ phấn khởi: - Vợ chồng chúng mày đã về đấy à, thế là tốt, anh chị mày và các cháu cũng vừa về sáng nay, chờ bố một lát nhé, à có nồi ngô nếp ở trên bếp đấy, thứ ngô trồng ở bãi ngon lắm, năm nay vụ đông nhà ta khá ra trò... Rồi ông khoe: - Xã mình năm nay khá lắm, vụ chiêm đại thắng, vụ mùa vì sâu bệnh, năng suất có giảm nhưng kéo lại cái vụ đông này, nhiều gia đình thu bạc triệu. Nhìn góc sân, gầm giường, góc nhà cứ ngổn ngang là khoai tây, ngô, khoai lang, hành tây, tỏi, tôi biết rằng vụ đông năm nay quê tôi thu hoạch khá hơn mọi năm. Chưa hết, bố tôi lại khoe: - Xã mình vừa được nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất và tỉnh công nhận là "Làng văn hóa" nên tết này xã trích ngân sách chia mỗi khẩu 20 nghìn đồng, nhà mình 4 khẩu được 80 nghìn đồng, thế là được khoản lợn hơi ăn tết... Ôi chao, cái khoản tiền 80 nghìn đồng mà bố tôi vừa kể có ý nghĩa thế nào với cái tết của người nông dân. Những lần về quê, đi thăm các gia đình hàng xóm, thỉnh thoảng gặp họ đang ăn cơm, nhìn mâm cơm chỉ toàn rau, họa hoằn mới có vài miếng đậu, tí cá khô, tôi thấm thía cái cơ cực của người nông dân. Tuy bây giờ khái niệm đói cơm, dứt bữa không còn, nhưng cái nghèo về dinh dưỡng vẫn là phổ biến.
Thấy tôi về, lũ trẻ hàng xóm kéo nhau sang chơi, chúng xúm quanh nhìn cái xe không lấy gì làm oách của tôi với vẻ khao khát. Một đứa tuyên bố: - Bố tớ bảo sang năm nhà tớ bán đi cặp bò và 1 lò gạch lấy tiền mua một con "Min" để chở gà, vịt ra tỉnh bán (làng tôi có phong trào nuôi gà công nghiệp, gà lai Pháp). Tiếng một đứa khác: - Xe Min cũng đếch bằng bộ video nhà tớ, tối nào cũng có "Bao công xử án", nó khoe. Hỏi ra tôi được biết, bố mẹ nó đấu thầu 5 mẫu ao làng vừa thả cá vừa nuôi vịt đẻ nên đã sắm được bộ video. Nhìn lên các nóc nhà hàng xóm thấy lố nhố những giàn ăngten các kiểu, có nhà chơi hẳn bộ ăngten phản xạ lưới. Sang thật!
Cơm nước xong xuôi, mấy ông bạn vong niên và vài bậc chú bác đến chơi, câu chuyện cứ nở như ngô rang. Bố tôi tất bật ra vào tiếp khách, những đốm lửa lập lòe của những điếu thuốc lá, mùi chè sen tỏa thơm ngào ngạt. Họ hỏi tôi về tình hình ngoài tỉnh, về giá cả thị trường, các mặt hàng bán tết... Thậm chí có vị còn phỏng vấn tôi vì sao ông Butrốt Gali không đắc cử tổng thư ký Liên hiệp quốc và tình hình các nước ở Liên Xô cũ, về giá cả đi lao động ở Hàn Quốc hết bao nhiêu?... Làm sao tôi hiểu biết mọi thứ và sẵn sàng làm tư vấn mọi vấn đề cho họ, kể cả cách làm kinh tế. Họ biết đâu tôi chỉ là một anh chàng lông bông và cả đời chẳng làm nên trò trống gì. Tuy vậy, tôi vẫn vui vẻ trả lời và sẵn sàng nghe những lời giãi bày tâm sự cùng đôi chút khoe khoang của họ nữa. Vui thật. Chuyện trò có một lúc mà tôi nắm được mấy thông tin quan trọng: Đó là xã tôi được đánh giá mạnh về phát triển cơ sở vật chất hạ tầng (nhất là giao thông nông thôn- toàn xã có 10km đường liên thôn liên xóm rải đá cộn). Năm học vừa qua có 6 em đỗ vào đại học, số hộ nghèo chỉ đếm đầu ngón tay. Tuy vậy, qua câu chuyện tôi tư lự mãi: nghe mấy ông bạn ca cẩm về tình hình học hành của bọn trẻ mới biết rằng con nhà nông khó mà học lên cao, không phải là không theo nổi, mà là không có tiền đóng góp. Ông chú tôi nói: - Thằng em mày mới vào đại học Bách khoa được 5 tháng mà nó đã xài của tao hết nửa cơ nghiệp rồi. Không biết có lo cho nó học hết được không? (Chú đã bán cặp bò để cho con dần). Ông còn cho biết: Ở làng tôi có một trường hợp một học sinh học đại học mà phải huy động cả họ hàng ruột thịt góp tiền nuôi mới theo hết được chương trình. Kể cũng gian nan.
Nghe những tâm sự như vậy, tôi vừa vui lại vừa buồn. Vui vì "cái sự học" ở làng tôi vẫn được coi trọng, bằng cớ là cả 2 trường cấp 1, cấp 2 đều kiên cố cao tầng và năm nào xã tôi cũng có người đỗ đại học. Buồn vì cơ chế này, con nhà nông kiếm được mảnh bằng cử nhân quá gian truân. Có lẽ bảo đảm cho sự công bằng trong hưởng thụ giáo dục đối với con cái những người nông dân là một điều khó thực hiện? Thấy tôi tỏ ra mệt mỏi, những vị khách ý tứ ra về. Nằm vào giường, tôi không sao ngủ được. Một niềm vui xốn xang về sự thay đổi nhanh chóng ở một vùng quê thuần nông cũng như những trăn trở khúc mắc về tương lai thế hệ trẻ mà câu chuyện của họ vửa nhắc tới, tôi trằn trọc mãi. Bố tôi nói trong cơn buồn ngủ: Thôi ngủ đi, sớm mai còn phải đi với bố gửi tết về quê ngoại.
Thái Bình ngày 27 tháng chạp- 1996
Đăng nhận xét