SỐNG ĐỜI - CÂY THUỐC KHÁNG SINH
Sống đời như một thuốc kháng sinh có tác dụng kháng khuẩn rộng, hoàn toàn không có một tác dụng phụ nào. Cây dễ trồng dễ tìm trong nhân dân. Miền xuôi, miền ngược đâu đâu cũng có trồng cây sống đời. Vừa là cây cảnh vì có hoa đẹp, vừa là một vị thuốc có tác dụng kháng khuẩn rất rộng, rất tốt cho một số bệnh về đường ruột và rất nhiều bệnh nội, ngoại khoa và các bệnh nhiễm trùng khác, cách dùng lại rất đơn giản, ai cũng biết sử dụng tốt.
Trong những các cây thuốc quý Việt Nam, đã có nhiều cây thuốc mà nhân dân đã thuộc lòng vì biết tác dụng vô cùng quý, tốt của nó, như: Chó đẻ răng cưa ưu ái với bệnh gan, hoa hòe loại thuốc đặc trị cho bảo vệ thành mạch, nhọ nồi nghĩ ngay đến bệnh lỵ, râu ngô mã đề ai cũng biết tốt cho lợi tiểu, trinh nữ hoàng cung chị em phụ nữ rất tin trong chữa u xơ tử cung... Trong số đó, thật thiếu sót nếu không nêu thêm một cây thuốc nữa, đó là Sống đời (còn có tên thường gọi: cây bỏng, lá bỏng, trường sinh, diệp sinh căn, đả bất tử…), thuộc họ Thuốc bỏng (Crassulaceae).
Sống đời cao cỡ 40-60cm, thân tròn, nhẵn, mọng nước, có đốm tía. Lá mọc đôi, chéo chữ thập, đơn hoặc gồm 3-4 lá chét dày; mép lá khía răng cưa tròn. Hoa màu đỏ hay vàng cam, mọc thành xim rủ xuống trên một cán dài ở ngọn thân hay kẽ lá. Hoa ra vào tháng 2-5 đúng dịp mùa xuân.
Sống đời là loại cây mọc hoang khắp nơi, vì có hoa đẹp nên sống đời được xem như một loài cây cảnh quý, được trồng trong cả chậu mini vườn cảnh tại nhà.
Trồng sống đời rất dễ, chỉ bẻ hoặc cắt một lá già là trồng rất tốt, cây nào cũng có khả năng tạo cây con từ kẽ của khía ở mép lá. Thu hái quanh năm và chỉ dùng lá sống đời còn tươi.
Trong lá sống đời, người ta đã tìm ra 3 loại hoạt chất:
Các axit hữu cơ: 32.5% axit malic, 10.1% axit citric, 46.5% axit izoxitric, 1% axit succinic, 0.5% axit fumaric, 1% axit pyruvic, 0.4% axit oxalaxetic, 0.1% axit glyoxylic, 0.2% axit lactic, 0.2% axit oxalic, 1.6% axit cisaconitic, 0.5% - 0.6% các axit chưa xác định.
Các glycozit flavonoit như flavonoit glycozit A (loại này chưa xác định được), flavonoit glycozit B được xác định là quexetin 3-diarabinozit với độ chảy 190-192ºC với aglycon là quexetin và flavonoit glycozit C được xác định là Kaempferol 3-glycozit.
Các hợp chất phenolic bap gồm axit p.cumaric, syringic, cafeic, p.hydroxybenzoic.
Theo y học cổ truyền: Cây sống đời có vị nhạt, hơi chua chua chát chát rất dễ “khai vị khi ốm đau” lại có tính mát, tác dụng tốt trong tiêu thủng, chỉ thống, sinh cơ.
Sống đời thường làm thuốc trong giải độc, đặc biệt trong chữa bỏng (vì lẽ đó sống đời được gọi là cây thuốc bỏng) giã lá nát đắp vết thương, đắp mắt đỏ đang sưng (viêm) đau, nhức, đắp mụn nhọt và cầm máu.
Cách dùng bằng lá sống đời tươi, thu 3-4 lá rửa sạch cát bẩn, giã nát đắp, hoặc vắt lấy nước bôi hàng ngày. Để uống dùng lá tươi rửa sạch, giã nát hòa với nước sôi nguội, lọc lấy nước cốt để uống. Lá tươi giã nát vắt lấy nước nhỏ vào tai vô cùng tốt với điều trị viêm tai giữa cấp tính. Bị ngã có vết thâm bầm, bị thương thổ huyết, thêm rượu và đường để uống. Có nơi còn dùng lá sống đời để chữa viêm loét dạ dày hành tá tràng. Nhiễm trùng đường ruột liều lượng 40g lá tươi rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống, còn vỏ đắp bên ngoài.
Rõ ràng cây sống đời thật vô cùng quý, nhất là với nhân dân lao động nghèo, bà con miền núi vốn ít hoặc chưa một lần điều trị các thuốc kháng sinh tân dược đăt tiền, chưa có dấu hiệu xuất hiện sự kháng thuốc...Có lẽ cây lá sống đời đối với họ vô cùng quý, tốt – trong chữa trị những bệnh nói trên.
TRANG XUÂN CHI (CTQ số 112)
Đăng nhận xét