TRUYỆN NGẮN
NGUYỄN THỊ KIM HOÀ
Trường học nằm trên đồi cát. Mái ngói mới lợp từ xa đã thấy hiện ra đỏ hồng hồng thẹn thùng nép bên mấy chỏm lá xanh rì của hàng cây chắn sóng.
Nga luôn yêu thích những buổi sáng được đến trường sớm như lúc này. Khi mặt trời tô một quầng sáng tinh khiết lên những bức tường còn phảng phất mùi sơn thơm. Khi những giọt sương còn chưa kịp tan, đậu chi chít như những hạt ngọc trong vắt trên mái tóc dương mềm buông xõa. Và khi trong không gian thinh lặng chỉ nghe xôn xao lời gió lẫn trong khúc hát tự tình êm ả của sóng biển ngoài kia. Nga nghe trái tim mình rộn lên một nỗi háo hức, xuyến xao như ngày còn là cô bé con được mẹ lần đầu tiên dắt đi chợ Tết. Con đường mẹ con Nga đi ngày xưa cũng băng qua khu đồi cát này, cũng quyện chân dưới lớp cát vàng mịn màng, cũng nghe nhồn nhộn, vui vui bên má khi đi dưới bóng dương để gió nghịch ngợm lùa mấy sợi lá mềm mại vào mặt, vào cổ áo. Chỉ có điều con đường ngày xưa Nga di không ngang qua bất cứ trường học nào. Trẻ con làng biển ngày ấy đi học phải ngồi sau xe ba mẹ vào tận sâu trong phố. Phố đẹp và xa thăm thẳm. Phố hầu như nuốt mất những gương mặt bạn bè Nga – những đứa trẻ làng biển ngày xưa, chẳng mấy người trở về với cuộc sống quẩn quanh đối mặt cùng sóng nước.
Nga không như họ. Nga bỏ lại phố, vùng thoát khỏi phố để trở về.
Mẹ vuốt mái tóc quanh năm vẫn dài chấm lưng của Nga, cười mà như khóc:
“Sao con không ở phố? Về chi rồi không khéo cũng như mẹ! Khổ cả đời!”
Nga dụi đầu vào lòng mẹ, nghe buồn vui lẫn lộn vào nhau, rơi rớt thành giọt trên nền nhà xi măng lồi lõm. Lâu lắm rồi từ ngày ba biền biệt sau một lần đi biển, chẳng một bàn tay đàn ông nào đắp lại những lớp thời gian bong tróc trong ngôi nhà quạnh quẽ của mẹ con Nga.
Ba về với biển đã nhiều năm, vẫn không có một bàn thờ, không một ngày giỗ. Vì mẹ tin tưởng một cách mãnh liệt rằng ngày nào đó ba sẽ về. Ba sẽ chắc tay lái với con thuyền sơn trắng, cưỡi trên sóng trở về. Ba sẽ nở nụ cười sáng bừng gương mặt xạm đen, ôm chắc cả hai mẹ con trong vòng tay nồng mùi gió biển.
Đi qua suốt tuổi thơ Nga là niềm tin vào một ngày tràn trề hạnh phúc ấy của mẹ. Niềm tin có sức lan tỏa diệu kỳ, tràn cả sang Nga. Để mỗi sớm mai, khi đã là cô thiếu nữ 15 -16 tuổi, Nga vẫn còn lén mẹ chạy ra bãi cá, đợi một con thuyền sơn trắng.
Ngày tiễn ba, Nga chỉ là con bé hay khóc nhè, ưa ngồi trong lòng, nghe ba cùng mấy bạn chài gõ chén hát những bài ca ấm sực, thơm nồng mùi rượu.
Nga không có nhiều kí ức về ba trừ những câu hát ngêu ngao dạo đó và con thuyền sơn trắng mẹ thường hay kể. Nhưng Nga cứ ra biển. Mãi cho đến cái ngày người ta vô tình tìm được những vỏ tàu phai màu sơn trắng nằm kẹt giữa một ghềnh đá xa lắc ngoài khơi.
Nga không thương niềm tin cổ tích trong mình vụn vỡ, chỉ thương mẹ. Tình yêu trong mẹ quá lớn để chấp nhận rằng ba đã không còn tồn tại, từ lâu lắm.
17 tuổi. Nga nhìn thấy mẹ gom những mảnh vỏ tàu vào một chiếc hộp gỗ đặt lên bàn thờ.
17 tuổi. Nga tự đắp cho ba một ngôi mộ nhỏ cuối nghĩa trang làng. Lắm đứa bạn gái của Nga đã hay rồi cũng sẽ đắp cho ba, cho anh, cho em hay cho người yêu chúng những ngôi mộ như thế trong cuộc đời mình. Bọn Nga gọi đó là mộ gió. Những ngôi mộ gió. Những ngôi mộ không thân xác, chỉ có linh hồn người đã khuất mỗi đêm theo tiếng gọi từ trái tim của những người yêu thương còn sống, theo gió bay về, ca hát rồi lại bay đi.
Tan lớp, còn đang bận bịu nhắc mấy đứa trò nhỏ đội nón, kiểm tra sách vở trước khi ra xếp hàng, Nga đã nhác thấy cái bóng áo xanh quen thuộc của Tâm bên ngoài khung cửa.
Như bao lần, khi đám trẻ túa ra cửa lớp y hệt một bầy ong nhỏ, Tâm đi về phía Nga với một phong thư. Nga đã chất đầy cả hộc tủ rồi những cái bì thư trăng trắng như thế đó. Những bì thư chưa một lần được mở.
“Sao bà không xem thử người ta viết gì trong đó?”.
Tâm nhắc đi nhắc lại câu hỏi ấy với Nga đâu chỉ một đôi lần. Tâm không hiểu rằng chẳng cần đọc thì Nga cũng biết thừa những gì người ta viết.
“Anh phải nhờ ba nói mãi mới được cho em một chân dạy hợp đồng chỗ họ. Trường điểm đàng hoàng em tưởng dễ… Vậy mà em nói bỏ là bỏ cái một. Em tỉnh táo một chút được không Nga?”
Những dòng trong lá thư đầu tiên của người ta giờ vẫn còn in rõ trong trí nhớ Nga mồn một.
Nga không tỉnh táo được như người ta nói, nên vừa tốt nghiệp đã nằng nặc một hai xin về cái trường tiểu học vỏn vẹn mỗi mười phòng và một mớ bàn ghế dù mới nhưng nhìn cứ lỏng chà lỏng chỏng. Nga không tỉnh táo, nên thay vì điệu đàng áo dài trước những đứa học trò tinh tươm, sạch sẽ. Lại xấp ngửa đi từ nhà này sang nhà khác, lưng áo mướt mồ hôi đèo những đứa trẻ đầu trần khét lẹt mùi nắng đến trường. Học trò làng chài mê sóng nước, mê tăm cá hơn mê sách vở. Lắm đứa học được nửa buổi, trèo cửa sổ, ù về nhà cắp thúng đậu lê la bán ngoài bãi tắm. Nga đánh vật cực khổ với những con chữ học trò xiêu vẹo, những bài toán cộng trừ sai be bét và những buổi đọc viết chính tả đến khan cả cổ.
Dẫu vậy, Nga vẫn không một lần mở những bức thư chất chồng trong hộc tủ. Dù đôi lúc cảm giác bế tắc và thất vọng cứ như những cơn sóng dữ ập vào Nga hết đợt này sang đợt khác.
Ngày quyết định rời phố trở về là Nga đã chấp nhận buông tay cái tình yêu sinh viên nhiều mơ mộng. Nga biết và người ta cũng biết tất cả mộng mơ rồi cũng dần tan đi như sương khói xa vời. Tồn tại chăng trong kí ức mỗi người là một chút gì lung linh, đẹp đẽ đã có cùng nhau. Vậy thì còn cố níu kéo làm chi để chút luyến nhớ cuối cùng ấy vụt đi mất.
Nga đổi số điện thoại. Liên lạc duy nhất chỉ là một dòng địa chỉ quanh co, rối rắm những ấp, thôn, xã, huyện. Vậy mà những bức thư người ta gửi chẳng bao giờ đi lạc. Đó là nhờ Tâm.
Tâm là nhân viên bưu tá duy nhất trong thôn.
Nga biết Tâm từ thời hai đứa còn long nhong theo đám trẻ làng đi gỡ sò ngoài bãi đá. Ấn tượng duy nhất về Tâm ngày bé trong Nga đó là một thằng nhóc da đen nhẻm, tóc xoăn tít thò lò với cái miệng cười toe toét tận mang tai, chiều nào cũng lẵng nhẵng theo Nga hết bãi đá này sang cồn cát nọ.
Năm con thuyền sơn trắng của ba Nga không trở về, ngôi nhà giáp mí biển của mẹ con Tâm cũng theo một đợt gió lớn mà ngã quỵ. Bão tan. Bác Tư- ba Tâm theo toán người đào dông núi trở về, chỉ thấy thằng con trai nước mắt lẫn nước mũi nhễu nhợt bên một cái chiếu đắp trên nền nhà giờ chỉ là một đống ngổn ngang gạch vụn. Không có người mẹ quanh năm ốm đau quặt quẹo lấy thân mình trùm lên Tâm trong đêm nhà sập ấy, chắc giờ mỗi dịp cuối tháng chạp hằng năm ba Tâm phải lọc cọc giãy cỏ một mình trên cả hai nấm mộ.
Từ ngôi trường trên đồi cát cao, Nga vẫn thường thấy cái dáng lam lũ của ba Tâm thấp thoáng gần khu nghĩa địa làng. Có khi rồng rắn theo sau ông là cả một bầy trẻ nhỏ, đứa mang bình qua, đứa xách rọ.
“Ổng còn nhớ cái nghề dông ghê lắm!” – Tâm hay thở dài cùng Nga mỗi lần nhắc đến ba mình. “Lâu lâu lại thấy ổng xách đồ nghề đi đào. Mà không đi núi, chỉ quẩn quanh đám cát xứ mình thì làm gì còn dông. Cả buổi trời được vài ba con cũng hí hửng làm món này món nọ rủ ngồi nhậu. Rượu vào thì lại tấm tắc phải má mày còn…bả làm gỏi dông ngon hết sẩy!”
Một tối, mẹ dọ ý Nga: “Mày và thằng Tâm có chuyện gì không con? Liêu liệu mà cư xử…”
Thốt nhiên, dù không muốn, Nga vẫn nghe một chút buồn len lỏi vào sâu trong lồng ngực vì câu nói buông nửa chừng của mẹ.
Ai không biết Tâm gần tới ngày đi hỏi vợ. Cô dâu là con xóm chài bên cạnh. Mấy chị bạn dạy cùng trường ai cũng nói: nhìn không dễ thương bằng Nga, không học cao như Nga. Nhưng quan trọng gì đâu. Người ta chỉ cần đẹp nhất trong con mắt người yêu người ta là đủ. Tình yêu ấy mà! Dù qua lâu rồi thời lãng mạn, Nga cũng phải thừa nhận rằng đấy là một thứ tình cảm có sức mạnh thật lạ kì. Nó khiến mọi khiếm khuyết đều trở nên đáng yêu, dễ chấp nhận trong con mắt những kẻ yêu nhau.
Bữa Tâm đưa thiệp, Nga chuẩn bị tinh thần trước rồi vẫn cứ thấy buồn thất thểu. Không phải kiểu buồn vì thất tình như ánh mắt thương thương, tồi tội của mẹ Nga và bác Tư hàm ý suốt mấy hôm sang phụ lo đám cưới.
Nga buồn, vì biết rồi sẽ chẳng còn những chiều hai đứa ngồi nghe biển hát. Buồn, vì những câu chuyện không đầu không cuối của mình rốt cuộc cũng đã mất người nghe. Buồn, vì những lúc buồn hết được tìm Tâm mà than thở.
Cảm giác sắp mất đi một người bạn, một người chia sẻ hóa ra còn đáng sợ hơn lần chia tay với người yêu nhiều. Giờ Nga mới biết.
Sau đám cưới Tâm, Nga nằm bệnh một trận làm mẹ sợ xanh cả mặt. Tâm cuống lên như người mắc lỗi, cứ sang ngồi đầu giường nỉ non:
“Bà ngồi dậy dùm tui cái! Làm kiểu này con vợ tui không tưởng bà bệnh tương tư tui mới là lạ đó!”
Đang giả vờ nằm mê mệt, Nga cũng phải phì cười trước vẻ mặt ra chiều khổ sở của thằng bạn chí cốt.
Thật ra trận bệnh lần này của Nga chỉ có một nửa là sự thật. Nga cố tình nằm bẹp trên giường một phần là muốn cho cái cơ thể đang rã rời vì công việc được nghỉ ngơi vài ngày, một phần là để kiểm tra xem linh cảm của mình là đúng hay sai.
Hôm đám cưới Tâm, thấy mẹ bỗng dưng tất bật phụ chuẩn bị rồi còn ngồi tỉ mỉ tết trầu cau với bác Tư, Nga đã thấy lạ. Bỗng lờ mờ nhận ra mối liên hệ giữa những que nhang cháy dở trên mộ gió của ba Nga và mấy hôm thấy thoáng bác Tư cùng đám trẻ gần khu gò mả. Vậy mà từ trước giờ sao Nga không nhớ ra là mẹ Nga làm gỏi dông cũng ngon đâu kém cạnh gì...
Một ý nghĩ kì lạ cứ lớn dần làm Nga vui vui, nôn nao trong dạ, quên bẵng đi cái buồn vì thằng bạn thân cưới vợ cứ lơ lửng trong đầu suốt mấy hôm trước đó.
Mẹ Nga và bác Tư. Hai con người ấy hình như cô đơn cũng đã lâu rồi…
“ Mẹ Nga đâu rồi? Đem mớ tôm nấu cháo con Nga ăn tẩm bổ cho lại sức. Nó bệnh mấy bữa mà xuống cái rột nhìn xanh lét.”
Tiếng bác Tư sang sảng ngoài hiên trước xô thêm vào cảm giác rộn ràng trong Nga, vỡ thành một nụ cười sung sướng.
“Tự nhiên cười vậy bà? Lo nghỉ cho hết bệnh đi! Cười … cười miết!”
Nga không thèm đôi co với câu càu nhàu của Tâm, vùi đầu sâu hơn vào trong gối. Nghe giấc ngủ nhẹ nhàng trôi đến. Êm ái, ngọt ngào như lời biển vẫn rì rào phía xa xa.
Đăng nhận xét