Ads (728x90)

Bút ký

Trong lần đi dự Hội thảo Bảo Đảng toàn miền Bắc tại tp Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 55 năm giải phóng Điện Biên cùng với nhà thơ Hà Cừ, Tổng Biên tập Báo Hải Dương ,tôi đã đến những vùng đất nôỉ tiếng của miền Tây như Bản Lác, bản Phiềng Lơi, chợ Bắc Hà...điều may mắn ấy không phải trong cuộc đời làm báo ai cũng có được...
Bản Lác

Đến Hoà Bình tầm hơn 1 giờ trưa, chúng tôi được các bạn đồng nghiệp báo Hoà Bình đón tiếp niềm nở và đề nghị cả đoàn nghỉ lại thăm tp ven sông Đà , chờ một số đoàn khác nữa để ngày mai cùng hành quân ằ tới Sơn La một thể. Nhưng Tổng Biên tập Hà Cừ và tôi cũng không muốn lưu lại vì một lẽ chúng tôi thăm công trình Nhà máy thuỷ điện sông Đà và tp Hoà Bình đã nhiều lần, vả lại trong tôi cứ ám ảnh câu thơ: “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi" của nhà thơ Quang Dũng trong bài thơ Tây Tiến nên rất muốn được về Mai Châu. Nghe ý định đó các bạn Hoà Bình ủng hộ ngay và giới thiệu một điểm du lịch rất độc đáo ở mai Châu đó là Bản Lác thuộc xã Chiềng Châu do những nông dân người Thái làm du lịch .Từ thành phố ven sông Đà vượt qua dốc Cun bảng lảng mây trắng khoảng 70 km trên quốc lộ 6 đến ngã ba Tòng Đậu rẽ trái chừng 5km là đến phố núi Mai Châu. Từ phố núi đi tiếp chừng 2 km nữa là đến Bản Lác. Bản Lác nằm lọt thỏm trong thung lũng , nếu nhìn từ trên núi xuống thì rất tuyệt : Những nếp nhà sàn liên hoàn liền kề với nhau, khói bếp từ các nhà ngoằn ngoèo bay lên trong nắng mai đem lại cảm giác bình yên cho du khách. Đường đi lại trong bản đã bê tông hoá từ lâu có rãnh thoát nước như ở các thành phố, thị xã. Đặc biệt ở gầm nhà sàn chủ nhà nào cũng bày bán những sản phẩm phục vụ khách du lịch như những bộ váy áo rất đẹp bằng thổ cẩm, chăn thổ cẩm, túi xách, áo nam , áo nữ , ví đựng tiền thậm chí cả túi đựng điện thoại di động đến các con giống…. đều được những bàn tay khéo léo, tài hoa của các cô gái Thái thêu, dệt bằng thổ cẩm.




Vào Bản Lác, du khách chọn bất cứ nhà nào để ở cũng được tính bằng giá như nhau : nếu nghỉ cả ngày lẫn đêm có cả ăn uống cũng chỉ độ 100 nghìn/người , nghĩa là rất hợp với túi tiền của người có thu nhập trung bình. Chả thế mà khách du lịch Tây “ba lô” và học sinh, sinh viên về đây hơi đông . Nếu vào các dịp ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày lễ thì nhà nào cũng chật cứng khách du lịch. Ông chủ nhà tôi ở cho biết có đợt cả bản đón một lúc hơn 1 nghìn người đến thăm . Cả đêm ấy, nhà nào cũng đèn điện sáng trưng, du khách đi lại tấp nập, có đoàn thuê các cô gái Thái biểu diễn văn nghệ múa xoè và nhảy sạp rộn ràng đến khuya…Theo cụ Hà Công Nhấm, chủ nhà chúng tôi ở thì Bản Lác vốn là một bản có truyền thống văn hoá lâu đời, với những chàng trai tài hoa và những cô gái xinh đẹp và khéo léo. Bằng chứng là vào bất kỳ nhà nào, trên những cột nhà bằng gỗ to có những đuôi cá dán la liệt hoặc những đuôi chồn, đuôi cáo khô treo trang trí để ghi lại những kỉ niệm đi rừng , đi suối của những chàng trai. Nhà nào càng nhiều đuôi cá, đuôi chồn thì con trai nhà ấy càng giỏi cũng là một tiêu chí quan trọng để các cô gái kén chồng. Còn nếu muốn biết người con gái của chủ nhà có đảm đang hay không , bạn chỉ việc nhìn những chăn đệm thổ cẩm được thêu thùa tinh xảo xếp gọn gàng hoặc nếm những giỏ xôi đồ rất khéo, thơm dẻo là biết tính nết của cô gáí đó . Mua hàng lưu niệm ở Bản Lác cũng rất rẻ bởi tính nết thật thà, chất phác của người dân miền núi, với lại những người Thái ở đây gắn bó với nghề làm ruộng là chính, còn làm du lịch chỉ là phụ nên họ không quan tâm lắm đến giá cả. Bởi trước đây độ dăm năm, nếu khách đến thăm bản, muốn nghỉ lại nhà nào thì chủ nhà chỉ lấy tiền ăn, còn tiền nghỉ không tính. Chỉ từ khi các hộ đăng ký giấy phép kinh doanh du lịch họ mới tính tiền nghỉ của khách .

Sau một đêm nghỉ lại Bản Lác, được chứng kiến một nền “văn hoá nhà sàn” rất văn minh và cũng rất bình dị của người Thái Mai Châu, tôi vô cùng thích thú và nếu có dịp, tôi sẽ còn trở lại nơi này….

Mùa ban nở

Dọc đường 6 đến thành phố Sơn La, thỉnh thoảng bắt gặp bên sườn núi , lúc thì một cụm, lúc cả cánh rừng bạt ngàn hoa ban trắng. Cái màu trắng đục phơn phớt tím nổi bật trên những sườn núi trơ trụi nhìn thật là đã mắt, thỉnh thoảng anh Hà Cừ cứ xuýt xoa: Giá đem được cây ban này mà về trồng ở cơ quan thì hay biết mấy! Đến Sơn La tầm 4 giờ chiều, đoạn đường từ sân bay Nà Sản cách thành phố khoảng 10 cây số bây giờ đã đựơc nâng cấp như đường cao tốc với 2 làn đường rộng thênh thang . Nhìn thành phố Sơn La được quy hoạch gọn gàng tôi cảm giác tốc độ đô thị hoá ở đây quá nhanh. Có lẽ để phục vụ công trình thuỷ điện hiện đại nhất Đông Nam Á nên người ta mới khẩn trương xây dựng các công trình nhà cửa, đường sá. Bởi thế nên nhiều đoạn đường đang mở rộng ngổn ngang đất cát, lòng đường đang được thi công, đi lại khá khó khăn cho các loại phương tiện giao thông .Sau một đêm “hội quân” ở Báo Sơn La, hơn chục đoàn báo các tỉnh được báo chủ nhà tiếp đãi rất trọng thị với những chén rượu thơm nồng, thứ rượu rất đặc trưng cất bằng men lá cộng với tài mời rượu của người Sơn La và những bài ca “tự biên, tự diễn”của các nhà báo nên mọi người khá vui và mệt, chìm sâu vào giấc ngủ, chỉ thức dậy khi nhìn đồng hồ đã hơn 7 giờ sáng…Có lẽ khoảng cách từ tp Sơn La tới tp Điện Biên Phủ phải đến gần 200 km, hơn nữa đường đi rất khó, nhiều đoạn cua tay áo hiểm trở nên các đoàn đi rất sớm, còn đoàn tôi đi sau cùng. Chả có việc gì phải vội, trưởng đoàn của tôi bảo thế! Tôi rất tán thành với chủ trương của ông vì không mấy khi được lên Tây Bắc, nhất là được đi trên con đường đã đi vào lịch sử năm xưa, được thoả thích ngắm nhìn những căn nhà của người Mông chênh vênh bên sườn núi, những rặng ban nở rộ như bức hoạ của miền Tây mà chỉ có mùa này thì mới có hoa ban .





Nhiều đoạn đường cua tay áo, lên dốc, xuống dốc rất vất vả, chiếc xe từ từ trườn lên rồi từ từ trườn xuống, chú lái xe căng thẳng điều chỉnh tay lái cho an toàn, còn tôi tha hồ mà tận hưởng cảnh vật bên đường: khi thì đi qua một trường tiểu học với vài căn phòng cấp 4 nằm chơ vơ bên quả đồi với một tốp học sinh đang nô đùa, chiếc xe đi qua chúng dõi theo vẫy vẫy và chợt nghĩ sự học ở đây còn quá khó khăn…Tôi đã đọc ở đâu đó rằng : “ căn nhà của người Mông như một nốt ruồi của núi..” Quả không sai! Nhìn căn nhà nhỏ xíu bám vào quả núi, thấy một phụ nữ Mông đang làm một việc gì đó trước hiên nhà bên cạnh mấy con chó gầy gò lăng xăng đi lại …tự nhiên tôi lại nhớ đến truyện “Vợ chồng A Phủ” hay những nhân vật trong tiểu thuyết Miền Tây của nhà văn Tô Hoài mà chạnh lòng nghĩ đến những nỗi vất vả của đồng bào miền núi, nhất là người phụ nữ các dân tộc …Đến gần đèo Pha Đin, thật là may vì chính ở con dốc đi vào lịch sử này có rất nhiều cây ban nở trắng xoá mà ở ngay bên đường ,chứ không mọc tít trên núi cao nên chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội chụp ảnh .Các tay máy thi nhau lựa chọn góc độ để bấm, rồi lần lượt mỗi người chụp dưới gốc ban vài kiểu để về khoe với bạn bè…Đến gần 12 giờ trưa chúng tôi mới đến được ngã ba Tuần Giáo . Nghỉ và ăn trưa ở Tuần Giáo rồi tiếp tục lên đường. Thú vị nhất là ở đoạn đường từ Tuần Giáo lên Điện Biên, qua một cái chợ xép ven đường, tự nhiên có mấy chú chó vện ngang nhiên đứng giữa đường vẫy đuôi mừng nhau rối rít . Khi xe của chúng tôi đến gần bấm còi bim bim mà chúng vẫn tảng lờ, mãi sau đó mới tản ra. Thật là đến các chú chó cũng chất phác, thật thà như bản tính của người miền núi ! (tôi nghĩ thế). Chiếc xe đi qua, tôi quay lại nhìn thấy chúng lại xúm vào bên nhau, có lẽ chúng đang bàn bạc việc gì đó quan trọng lắm!

Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên


Thành phố Điện Biên Phủ nằm trong lòng chảo Mường Thanh , có lẽ đây là tp mới được công nhận lên đô thị loại 3 sau khi tách tỉnh Điện Biên và Lai Châu nên ở đây nhiều công trình đang được xây dựng để tương xứng với tầm của một thành phố đã đi và lịch sử hào hùng của dân tộc. Bởi thế nên nhiều công trình đang làm dang dở như đường vành đai xung quanh thành phố, cầu Mường Thanh, đường đi lên Tượng đài Chiến sĩ Điện Biên …Trước buổi Hội thảo hơn 40 đoàn đại biểu báo các tỉnh, thành phố cả nước do lãnh đạo tỉnh Điện Biên và đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin truyền thông dẫn đầu trịnh trọng đến thắp hương ở Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên . Cả khu nghĩa trang rộng độ vài ha nằm bên cạnh đồi A1 với hàng vạn bia mộ nằm ngay trong khu vực trung tâm thành phố. Các đại biểu thắp hương và tản ra thăm các bia mộ trong nghĩa trang . Đây là bia mộ anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót, kia là bia mộ anh hùng liệt sĩ Trần Can, rồi bia mộ anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn ,bia mộ anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện…đó là những anh hùng mà ngay từ khi còn là một học sinh cấp 1, tôi đã thuộc làu những bài viết về gương hi sinh anh dũng của các anh. Các đại biểu tranh thủ cắm hương trên các bia mộ. Khi chúng tôi đi thăm có nhiều đoàn đại biểu củả hội cựu chiến binh mấy tỉnh và nhiều đoàn của các cháu học sinh đi thăm mộ các anh, có người còn bê cả chậu nước vảy lên các ngôi mộ để linh hồn của các anh hùng mát mẻ ...Anh Bùi Sĩ Hoa , Tổng Biên Tập báo Nghệ An gọi tôi và mọi người đến xem bảng ghi danh sách những liệt sĩ Điện biên quê ở Nghệ An, anh Hoa tự hào nói: -Trong hơn 10 bảng ghi danh của liệt sĩ cả nước hi sinh ở Điện Biên thì có 5 bảng ghi tên những người quê ở Nghệ An! Rồi anh nhờ tôi bấm một kiểu ảnh đứng cạnh bảng ghi danh sách các liệt sĩ để làm kỷ niệm.




Hầu hết các đoàn sau khi thắp hương và thăm bia mộ các anh hùng liệt sĩ Điện Biên đều chụp ảnh lưu niệm dưới tượng đài tôn vinh liệt sĩ Điện Biên. Nhìn dòng người lặng lẽ ôm những bó hoa tươi đặt lên những bia mộ các anh hùng, tôi hiểu rằng đó là sự tri ân của cả dân tộc và thế hệ chúng tôi may mắn có ngày hôm nay. Nhìn rặng ban nở rộ tím ngát với muì hương dìu dịu trong nắng xuân, có tiếng chim hót ríu ran trong một bụi cây nào đó, tôi không nghĩ rằng 55 năm trước đây cả nơi các anh yên nghỉ là một chảo lửa khổng lồ...

Bản Phiêng Lơi

Nội dung của hội thảo Báo Đảng lần thứ 17 tại thành phố Điện Biên phủ là "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá lịch sử trong thời kỳ hội nhập " nên sau khi hội thảo kết thúc, Báo Điện Biên Phủ có mời các đoàn đến thăm và dự một đêm sinh hoạt văn hoá tại một bản văn hoá ở cách tp Điện Biên Phủ chừng độ 15 km .Xe của các đoàn nối đuôi nhau bám theo xe của báo chủ nhà đến bản Phiêng Lơi. Bản phiêng Lơi thuộc xã Thanh Kim thuộc tp Điện Biên Phủ. Cả bản có hơn 40 gia đình người Thái làm ruộng và trồng rừng với hơn 200 khẩu. Những nhà sàn ở bản Phiêng Lơi nằm bám nhau ven bờ sông Nậm Rốn nơi có cây cầu treo khá đẹp. Vào nhà nào cũng sạch sẽ ngăn nắp, đó là những nhà sàn rộng rãi thoáng mát. Không có cảnh trâu bò hoặc lợn gà nuôi ở dưới gầm sàn. Nhà nào cũng có khu vệ sinh , khu chăn nuôi và khu nhà bếp riêng nên rất sạch sẽ. Đón tiếp các nhà báo, bản Phiêng Lơi tổ chức một bữa tiệc tại ngôi nhà của một gia đình có nhà to nhất ở bản. Trước sân người ta đã dựng sẵn một đống củi lớn để đốt lửa trại và mấy phụ nữ Thái đang hý hoáy quay một chú bò lớn để đãi khách. Trong lúc chờ bữa tiệc và đêm lửa trại, các nhà báo tản ra đi thăm các gia đình trong bản, ngắm nhìn những cánh rừng xanh tốt và thả hồn mình theo dòng suối Nậm Rốn . Người thì tranh thủ chụp mấy cảnh đẹp của con suối đã đi vào thơ của nhà thơ dân tộc người Thái Cầm Vĩnh Ùi:
Nhà tôi ở Mường Lay
Có con sông Nậm Rốn

Người thì chụp ảnh chung với các thiếu nữ Thái xinh đẹp bên cạnh những nhà sàn của họ…Khi màn đêm đã buông xuống, bữa tiệc được bắt đầu . Chúng tôi rất ngạc nhiên vì trình độ nấu bếp và khả năng chế biến các món ăn của người Thái rất phong phú: Món bò nướng chấm nậm pịa, dạ dày bò nướng; cá suối đồ rắc hoa ban, nộm hoa ban chua chua ngầy ngậy, rồi những cọn xôi nếp được đồ bằng thứ nếp nổi tiếng của cánh đồng Mường Thanh …được những thiếu nữ Thái mời rượu thì còn gì bằng ! Trong hương rừng, hương núi bên chén rượu thơm nồng của núi rừng miền Tây Bắc , được uống rượu giữa mùa ban nở với những người dân bản Phiêng Lơi hồn hậu , ai ai trong chúng tôi cũng vui và vô cùng cảm động trước cử chỉ chân tình, thật thà mến khách của họ .






Giữa ánh lửa bập bùng của đêm lửa trại được tổ chức trước sân nhà sàn, những điệu nhảy sạp, khách và chủ cùng nắm tay nhau nhảy múa xung quanh đống lửa trong tiếng cồng chiêng vang rền, rồi những bài hát mời rượu bàng tiếng Thái xen lẫn bài hát ca ngợi núi rừng Tây bắc trong trẻo vút lên…để mỗi người khi ra về mang theo bao kỷ niệm với dân bản Phiêng Lơi…

Chợ Bắc Hà

Chợ Bắc Hà thuộc huyện Bắc Hà cách thành phố Lào Cai 76 km. đây là một chợ còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc. Chợ nổi tiếng với nhiều mặt hàng phong phú , chủ yếu đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi các mặt hàng thiết yếu trong đời sống của đồng bào 14 dân tộc anh em ở khu vực toàn núi đá tai mèo bồng bềnh mây trắng quanh năm. Mới tờ mờ sáng mà tiếng người đi chợ trò chuyện râm ran ở trên những con đường mòn sau những dãy núi đổ về chợ Bắc Hà. Tiếng ngựa hí, tiếng chó sủa râm ran và cả tiếng gà vịt kêu quang quác phá tan vẻ tĩnh lặng của buổi sáng. 8 giờ sáng , chợ đã đông nghịt người. Anh Phạm Khắc Xương, Tổng Biên Tập báo Lào Cai, nguyên là bí thư huyện Bắc Hà nói với chúng tôi:

-Đến chợ Bắc Hà các anh phải nhớ thưởng thức rượu ngô Bản Phố và món thắng cố bò của anh Vàng A Thìn mới đích thực đến Bắc Hà! Câu nói vui của Tổng Biên tập , người đã từng gắn bó với mảnh đất này nhiều năm làm chúng tôi càng thêm háo hức. Len vào giữa những cô gái Mông váy áo rực rỡ sắc màu, chúng tôi đến khu vực bán rượu. Hơn hai chục phụ nữ Mông bày cả dãy can đựng rượu ngô bày trên mặt đất, tôi ghé vào nếm thử .Chà một thứ rượu trong veo , thơm lừng mà chỉ có 8 nghìn đồng 1 lít ! Thấy tôi nếm , một khách Tây cũng sà xuống xin nếm và gật đầu ra hiệu rượu ngon .Tôi đi vào dãy hàng thắng cố định mua một bát ăn thử nhưng ngại nên lại thôi .




Điều đặc biệt, là ở chợ Bắc Hà khách du lịch người Tây lên rất đông, có ngày tới vài trăm người, họ đến Bắc Hà để chiêm ngưỡng vẻ hoang sơ của phiên chợ vùng cao, chụp ảnh chợ ngựa, chợ trâu, nếm thắng cố ... thậm chí họ mang cả máy chuyên dụng đi quay phim. Ở khu chợ bán ngựa được dành riêng một góc ruộng thấp cuối chợ, tôi len lỏi đến gần những chú ngựa để xem. Hỏi giá một chú ngựa màu nâu sẫm, anh người Mông bảo :
-6 triệu đồng, mày mua thì tao bán!
-Tôi chỉ hỏi giá thôi, không mua đâu .Tôi đáp.
-Tao biết ngay là mày đi xem mà, anh ta ranh mãnh đáp.
Đã quá trưa, người đi lại mua sắm vẫn náo nhiệt, ở một khu đất trống có vài cậu thanh niên Mông đang múa khèn, tiếng khèn dìu dặt trầm bổng như phảng phất một nỗi buồn của con người giữa núi rộng, trời cao. Có lúc điệu khèn tha thiết như mời gọi, thúc giục mọi người hãy đi theo tiếng gọi của tình yêu và đừng quên mảnh đất Bắc Hà đầy gian nan và kiêu hãnh này…

Hải Dương 28-3-2009

Đăng nhận xét