Ads (728x90)





Nấm linh chi

Trong sách “Đông tây y điều trị bệnh tim mạch” của GSBS. Trần Văn Kỳ (NXB Đồng Tháp, 1996, tr.111-113), có dẫn theo sách “Hiện đại Trung y nội khoa học” của Hà Thiệu Kỳ chủ biên (NXB Khoa học kỹ thuật Y dược Trung Quốc, 1991), giới thiệu 10 vị thuốc cường tim sau đây. Xin lưu ý có một số vị thuốc có độc tính mạnh, chủ yếu chỉ để giới chuyên ngành tham khảo, bạn đọc phổ thông không được tự tiện sử dụng.

Bắc Ngũ gia bì (Cortex Périplocae Radicis): có nhiều glucozit cường tim, lợi tiểu, trị phong thấp.

Phụ tử (Radix Aconiti Carmichaeli): Có thành phần cường tim. Mỗi ngày lượng dùng 6-12g sắc uống. dùng trị suy tim, nên sắc trước 30-60 phút để giảm độc. Độc của Phụ tử thường có biểu hiện: mồm tê, nôn hoặc buồn nôn, loạn nhịp, huyết áp hạ.

Đình lịch tử (Lepidium apetalum Willd): có tác dụng tăng co bóp cơ tim, làm chậm nhịp tim. Liều dùng mỗi ngày từ 6-10g cho vào thuốc sắc. Nếu dùng bột mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1-2g hòa nước uống. Thuốc có tác dụng giáng khí lợi thủy, làm cho lượng nước tiểu tăng, phù giảm.

Thiềm tô (nhựa cóc: Secretio bufonis): tác dụng như Digital, phân tích trong nhựa cóc có đến 20 loại có tác dụng cường tim, làm tăng lực co cơ tim, làm giảm nhịp tim. Trên lâm sàng dùng mỗi lần 10mg, ngày 3 lần, sau khi có tác dụng giảm liều. Tác dụng phụ có: buồn nôn, nôn,... và có phản ứng nhiễm độc như Digital. Để giảm bớt kích thích đối với đường ruột, có tác giả dùng trộn với Bạch linh 9 phần, Thiềm tô 1 phần thành thuốc tán, cũng có thể dùng làm viên bọc nhựa.



Ngọc trúc (Polygonatum officinale All.): có Glucozit cường tim. Trên thí nghiệm dùng liều lượng nhỏ làm cho tim ếch cô lập bóp mạnh, liều lượng lớn làm tim đập chậm hoặc ngưng đập. Trên lâm sàng dùng trị suy tim, liều mỗi ngày 15g sắc uống, dùng 3-5 ngày có kết quả giảm liều.

Chỉ thực (Citrus aurantium L.): có tác dụng tăng co bóp cơ tim. Trên lâm sàng dùng trị suy tim bằng dịch tiêm Chỉ thực mỗi lần 40-60g (mỗi ml tương đương 4g thuốc sống) cho vào dịch Glucoza 10% - 250ml truyền tĩnh mạch có tác dụng tăng hiệu suất của tim và lợi tiểu.

Nhân sâm (Radix ginseng): Lượng ít nhân sâm làm tăng lực co bóp của cơ tim, nếu nồng độ cao thì tác dụng ngược lại và làm chậm nhịp tim. Nhân sâm được dùng chữa suy tim trong bài “Sinh mạch tán” và “Sâm phụ thang”.

Hoàng kỳ (Radix Astragali) có tác dụng làm tăng lực co bóp của cơ tim và tác dụng lợi tiểu.

Linh chi (nấm Linh chi: Ganoderma japonicum Fr.) có tác dụng cường tim hạ áp, giúp cơ tim chịu đựng được trạng thái thiếu máu, hạ lipit máu, chống xơ cứng động mạch.

Qua lâu (Tichosanthes Rililowii Maxim): Có tác dụng làm giãn mạch, làm tăng lưu lượng máu ở động mạch vành, chống thiếu oxy và hạ lipit huyết, được dùng trong điều trị suy tim do bệnh động mạch vành. Trên lâm sàng dùng viên Qua lâu, mỗi lần 4 viên, ngày uống 3 lần (lượng mỗi ngày tương đương 31,2g thuốc sống).

Phan Anh Tú (CTQ số 114)

Đăng nhận xét