Tản văn của Nguyễn Viết Hiện
Bạn tôi lập nghiệp ở xứ người, lần này về nước phải đến hơn hai chục năm xa nhau bạn mới về thăm tôi được .Lâu ngày không gặp nhau, tay bắt mặt mừng , câu đầu tiên bạn nói :" Chà ! Hải Dương bây giờ đổi thay đến chóng mặt , về đến thành phố mình không nhận ra cái thị xã ngày nào với những dãy nhà cấp 4 bám hai bên đường 5 dưới những hàng cây xà cừ xum xuê xanh tốt quanh năm... mà thay vào đó là những tòa nhà, công sở hiện đại, đường thông hè thoáng không kém gì thành phố mình sống ở bên kia..."
Cơm nước xong xuôi, dưới ánh trăng thượng tuần cuối thu, tôi lấy xe máy đưa ông bạn chí thân từ hồi học đại học đi thăm thành phố. Sau khi lượn một vòng, chúng tôi chọn quán cafe trên tầng 7 của Nhà thi đấu thể thao tỉnh để ngồi vì ở vị trí này dễ dàng quan sát những điểm nhấn của đêm Hải Dương dưới ánh điện rực rỡ sắc màu của thành phố sắp tròn 210 năm tuổi. Gió thu mát rượi , bản nhạc trữ tình du dương cộng thêm hương cafe thơm lừng khiến tâm hồn của một người xa xứ lâu ngày càng thêm tâm trạng. Những câu chuyện không đầu không cuối của chúng tôi từ cái ngày đại học xen lẫn những vất vả mưu sinh nơi xứ người , rồi cảm xúc bồi hồi nhớ về kỷ niệm hồi còn là giảng viên trường đại học. Một lần bạn về Hải Dương coi thi đại học, khi về Hà Nội món quà giản dị mà hội đồng coi thi tặng các thầy là những túi bánh đậu xanh , chục bánh gai Ninh Giang hảo hạng đến nay vẫn còn đọng trong kí ức của bạn ...Nghe kỉ niệm của bạn một lần với Hải Dương tôi bồi hồi không kém và nhớ về những cảnh xưa người cũ nơi đây .Thành Đông hôm nay như có một phép màu đã thay da đổi thịt sau một chặng đường gần 30 năm đổi mới. Ngày ấy trong trí nhớ của tôi thành phố rộng lớn hôm nay với những tòa nhà công sở xen lẫn khu dân cư cao đẹp, hoành tráng , những tuyến đường nổi tiếng đông đúc người xe như mắc cửi từ phố Nguyễn Lương Bằng đến Ngã tư Máy Sứ, đại lộ Trần Hưng Đạo, đường Lê Thanh Nghị hay con phố Nguyễn Du tĩnh lặng... thì ngày xưa còn rất khiêm tốn . Nhớ khu vực Ngã tư Máy Sứ, ngày xưa là bến xe khách Hải Hưng đối diện với Nhà máy Sứ Hải Dương nổi tiếng. Ngày ấy, thời bao cấp chỉ đến ngày Tết những gia đình khá giả nới đem chục bát sứ Hải Dương trong tủ ra để dùng còn ngày thường được rửa sạch cho vào tủ để trang trí. Ở khu vực Quảng trường trung tâm thành phố, đối diện với Bưu điện tỉnh bây giờ có một cửa hàng ăn uống mậu dịch với một loạt dãy nhà ngói bán cơm phở, nước giải khát. Khách hàng đến ăn phải nộp 0,25 gam tem lương thực và một hào thì được một đĩa cơm trắng với mấy miếng đậu rán hoặc kho cùng bát canh rau muống .Những ngày chủ nhật lũ trẻ con được bố mẹ cho tiền ăn quà xúm xít quanh ô cửa bán kem háo hức mua những que kem đậu xanh, kem sữa và nô đùa làm náo loạn những buổi trưa hè yên ả. Thỉnh thoảng có một chiếc xe ngựa chở gạch , ngói, tre , nứa...vó ngựa lộc cộc gõ xuống mặt đường đá cộn với những âm thanh đều đều như ru ngủ. Ở bên cạnh cầu Cất có một lò vôi với công suất lớn lúc nào cũng tỏa khói trắng nghi ngút . Ngày nào cũng vậy, hàng chục chiếc thuyền lớn chở đá xanh cập bờ cung cấp nguyên liệu cho HTX sản xuất vôi .Khi bốc hết đá lên bờ, chủ thuyền lại chuyển vôi xuống thuyền đem đi tiêu thụ. Ngày ấy ai xây nhà mà mua được vài tấn vôi cầu Cất thì được xếp vào diện khá giả...Đoạn đường từ cống Trắng (gần sân Đô Lương bây giờ) đến cầu Phú Lương cũ là tuyến huyết mạch của thị xã, tất cả các phương tiện giao thông đi Hải Phòng hoặc Quảng Ninh đều phải qua đây. Với vị trí quan trọng như vậy nên hai bên đầu cầu đã hình thành một đội quân đông đảo bán hàng rong, quà vặt có tới hàng trăm người. Quà hàng là bánh chưng , bánh nếp , ngô luộc, xôi xéo giò chả, bánh đậu xanh... Có những hôm tắc đường gần một tiếng nên những hàng quán hai bên đầu cầu lại là điểm nghỉ chân của cánh lái xe, khách thập phương. Khu đô thị phía Đông với những tuyến phố rợp bóng cây xanh và những tòa nhà biệt thự đủ mọi kiểu cách hôm nay chính là một cánh đồng với những con rạch ngang dọc của xã Ngọc Châu ngày xưa, còn khu đô thị phía Đông có khách sạn Nacimex cao nhất Hải Dương vốn là một cánh đồng rộng lớn của hai xã Thanh Bình và Tứ Minh giáp với huyện Cẩm Giàng ...Không riêng gì ông bạn tôi, hơn 20 năm ở tận trời Tây mới về thực sự ngỡ ngàng mà ngay cả những người ở thành phố này đi lập nghiệp hoặc công tác vài năm không về thăm quê thì cũng ngạc nhiên không kém. Có người về đến thành phố còn đi lạc đường về nhà...
Gần ba mươi năm đổi mới, Thành Đông hôm nay đang thay đổi từng ngày từng giờ. Dẫu có phát triển thế nào đi chăng nữa, nơi đây vẫn neo giữ bao kỷ niệm đẹp đẽ trong mắt bạn bè khắp các tỉnh thành trong nước và quốc tế . Không tự hào sao được khi nhắc đến Thành Đông, nhắc đến Hải Dương là mọi người đều trầm trồ thán phục đây là tỉnh có một huyện và một làng có nhiều Tiến sĩ Nho học nhất nước. Hải Dương gắn liền với những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như Văn miếu Mao Điền, Côn Sơn-Kiếp Bạc, Đền thờ nhà giáo Chu Văn An, Đền thờ Khúc Thừa Dụ và bao danh thắng khác. Quá khứ, hiện tại và những kỷ niệm xưa ùa vào khiến tôi vô cùng xúc động. Dưới ánh trăng thu, trên đường Bạch Đằng có những đôi trai gái đèo nhau trên những chiếc xe tay ga, họ đi chầm chậm ngắm nhìn ánh đèn rực rỡ sắc màu cho ngày hội lớn. Ở đâu đó tiếng loa truyền thanh phát bài hát của nhạc sĩ Trần Minh:
Hải Dương quê ta nay đã đẹp giầu/ Ta đi thênh thang trên đường mới mở/ Trên những cây cầu ý nhạc lời thơ....giọng ca luyến láy của ca sĩ Hồng Liên như bồi đắp thêm tình yêu của mỗi người con quê hương với thành phố mến yêu của tôi...
Đăng nhận xét